- Nhà báo, Facebooker Phạm Trung Tuyến quan niệm, chia sẻ trên mạng đúng với mình và không vi phạm pháp luật thì đừng bận tâm chuyện đúng sai hay người khác nghĩ gì.

Xem thêm chuyên mục Góc nhìn thẳng

Chia sẻ trên mạng xã hội đã trở thành một thói quen phổ biến của hàng chục triệu người dân Việt Nam. Mọi cảm xúc yêu ghét, mọi suy nghĩ, quan điểm đều tự do đăng tải và thảo luận trên Facebook. Nhưng chia sẻ như thế nào để phù hợp với đạo đức, trách nhiệm của một công dân thì lại là vấn đề lớn.

Chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo VietNaNnet mời nhà báo Phạm Trung Tuyến - Phó Giám đốc VOV giao thông quốc gia xung quanh câu chuyện này. Ông cũng là một facebooker nổi tiếng với nhiều bài bình luận sâu sắc.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, mấy ngày nay, cư dân mạng thường hay "nhại" lại câu hỏi ở chương trình "60 phút mở  " của VTV: "Động cơ của bạn là gì" để nói về chia sẻ trên mạng. Vậy, nếu là ông, ông sẽ trả lời câu hỏi này như thế nào?

Nhà báo Phạm Trung Tuyến: Mỗi một thời điểm, mỗi một hành động có một động cơ khác nhau. Nhưng cơ bản, những động cơ khi tôi chia sẻ thông tin, thứ nhất là sự đồng cảm, thứ hai, tôi muốn chia sẻ.

{keywords}
Nhà báo Phạm Trung Tuyến.

 

Đơn giản là tôi muốn chia sẻ và chia sẻ cũng chính là một động cơ. Vì thế, hỏi động cơ của việc chia sẻ thông tin là gì, câu trả lời sẽ đúng cho gần như tất cả trường hợp, đó là một nhu cầu muốn được chia sẻ những điều mình biết, muốn được chia sẻ phát hiện của mình, muốn được chia sẻ cảm xúc của mình, sự đồng cảm của mình với những người xung quanh mình.

Tôi nghĩ động cơ phổ quát nhất của hành động chia sẻ trên Facebook là như vậy.

Nhà báo Phạm Huyền: Ông có nghĩ là những chia sẻ trên mạng của ông sẽ làm cho ông trở nên có quyền lực và nổi tiếng hơn không?

Nhà báo Phạm Trung Tuyến: Tôi không nghĩ những chia sẻ đó có thể làm gì?

Một đồng nghiệp, có thể gọi là thầy của tôi có nói rằng, một trong những nhiệm vụ của nhà báo, làm cho công việc của các nhà báo có ý nghĩa nhất là lan toả thông tin mình biết đến mọi người. Đây không phải là tạo nên quyền lực, mà thực sự, đó là một nhu cầu, một nhu cầu tôn trọng công việc của mình, tôn trọng tư duy của mình. Bất cứ một ai có thể chia sẻ những thông tin mà mình biết đến cộng đồng. Đó là một nhu cầu để lan toả thôi, giống như một bông hoa phải toả hương thôi.  

Nhà báo Phạm Huyền: Trong một bài báo gần đây trên trang Tri thức trẻ, ông có viết " Chia sẻ có cần phải đúng, sai? Chuyện đúng hôm nay ngày mai sai bét" v.v.. và "nếu mãi bàn đúng đúng sai sai thì bạn sẽ lãng phí một đời". Nói vậy, ông cho rằng, không cần phải suy tính đúng sai khi chia sẻ?

Nhà báo Phạm Trung Tuyến: Tôi có thể nói rõ hơn về việc này. Thực ra, sự đúng sai rất tương đối thôi.

Chúng ta không nên nghĩ mãi về việc người khác nhìn việc mình làm là đúng là sai? Chúng ta khi quyết định một hành động nào đó, phải xuất phát từ quan niệm của mình về sự việc đó. Bởi vì mình thấy đúng thì mình mới làm. Đương nhiên điều đó là đúng với mình rồi, còn đúng với người khác hay không, tôi không quá quan tâm.

Có những giá trị chung để mọi người hình dung được sự đúng tương đối. Đó là các quy định của luật pháp. Điều mình làm vi phạm pháp luật hay không? Nếu không, nó đã đúng ở một mức độ rồi. Và điều mình làm có phù hợp với các giá trị sống của mình hay không? Nếu nó phù hợp với các giá trị sống của mình thì nó đã tuyệt đối đúng với mình rồi.

Nếu như 2 điều đó đảm bảo thì chúng ta không cần bận tâm đến đúng sai nữa.

Nhà báo Phạm Huyền: Dù vậy, tôi băn khoăn, nếu một ngày nào đó, chia sẻ của ông đúng với ông, với một số người nữa nhưng lại làm tổn thương một ai đấy?

Nhà báo Phạm Trung Tuyến: Tôi hiểu ý của chị. Thực ra, chúng ta sẽ không thể tránh được việc gây tổn thương cho tất cả mọi người. Điều đó tuyệt đối không tránh được và tôi nghĩ rằng, không một ai tránh được điều đó cả.

Vì thế, khi mà nó đúng với mình mà lại đúng với các giá trị phổ quát, hiểu cụ thể là luật pháp thì nếu ai đó bị tổn thương, mình chỉ có thể chia sẻ với người ta mà thôi. Nếu như mình biết được để mình tránh thì mình sẽ tránh.

Còn nếu không thể biết được điều đó có làm tổn thương ai không, tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta chỉ suy nghĩ như vậy thì chúng ta sẽ không thể bắt đầu làm bất cứ việc gì cả. Bởi vì, một việc đúng với người này, có thể sai với người kia. Nếu không nhìn nhận mọi thứ ở những giá trị chung thì chúng ta sẽ không thể nào phân định được ai đúng ai sai trong câu chuyện này cả.

Nhà báo Phạm Huyền: Thực tế, đã có những thông tin từ các chia sẻ trên mạng như những tin đồn thất thiệt gây xáo trộn đời sống người dân, như vụ cá chết ở Cồn Vành, Thái Bình, tin bắt cóc trẻ em khiến công an phải vào cuộc xử lý. Ông nghĩ thế nào về đạo đức và trách nhiệm công dân khi chúng ta chia sẻ trên mạng xã hội?

Nhà báo Phạm Trung Tuyến: Tôi nghĩ rằng, tất cả những hành vi đó đều đã được điều chỉnh, quy định bởi luật pháp rồi như tung tin thất thiệt gây hậu quả nghiêm trọng. Những điều đó đều đã có chế tài xử phạt. Và các hành vi đó hoàn toàn được điều chỉnh bởi pháp luật, có điều, chúng ta có làm nghiêm được hay không?

Tôi không nghĩ đến chuyện khác như phán xét về mặt đạo đức ở trong những hành vi như vậy. Bởi những điều đó đã được điều chỉnh ở luật pháp rồi. Chúng ta cứ đúng luật pháp mà làm thôi, thực hiện việc rà soát, kiểm tra, phát hiện để điều chỉnh những hành vi trong xã hội. Nếu như luật pháp chưa đủ mạnh thì hãy điều chỉnh luật pháp.

Nếu như chúng ta nhìn mọi việc một cách rõ ràng, rành mạnh như vậy thì tôi nghĩ rằng, câu chuyện mạng xã hội không quá phức tạp như chúng ta đang hình dung.

Nhà báo Phạm Huyền: Xin cảm ơn ông!

VietNamNet