Những thông tin diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm chủng loại mới H7N9 tại Trung Quốc làm 3 người tử vong khiến người dân không khỏi lo lắng. Vậy cần làm gì để phòng tránh dịch H7N9?

Khuyến cáo của Bộ Y tế 

Để tránh nguy cơ xâm nhập và lây lan của virus cúm H7N9, Bộ Y tế đã khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, thực hiện các nguyên tắc đảm bảo ATVSTP. Hạn chế tiếp xúc gần với người có biểu hiện mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp, tránh đưa tay lên mũi và miệng, làm thông thoáng nơi ở và nơi làm việc, thường xuyên lau chùi bề mặt, dụng cụ đồ vật quanh người bệnh bằng các chẩt tẩy rửa thông thường. Đồng thời nâng cao sức khỏe bằng việc ăn uống, nghỉ ngơi và tập luyện thể thao hợp lý.

Người dân cần sử dụng thực phẩm gia cầm sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuyệt đối không vận chuyển, buôn bán, sử dụng động vật (lợn, gia cầm) ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc.

Trường hợp bị cúm nên đeo khẩu trang nhằm hạn chế lây truyền ra những người chung quanh. Khi có biểu hiện sốt cao, ho, đau ngực, khó thở... cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

Hiện số mắc cúm gia cầm H7N9 tại Trung Quốc đã lên 9 người, trong đó có 3 ca tử vong. Ngoài số đã tử vong, các trường hợp còn lại đều trong tình trạng nguy kịch.

{keywords}
Tiêm vaccin phòng chống cúm gia cầm H5N1, tuy nhiên chưa có vaccin phòng cúm A/H7N9. Ảnh: Trần Minh

Tự phòng, tránh dịch cúm gia cầm:

Tăng cường vệ sinh ăn uống:

- Chỉ ăn thịt, trứng và các sản phẩm khác của gia cầm được nấu chín kỹ.

- Chỉ mua gia cầm và sản phẩm gia cầm rõ nguồn gốc và đã được kiểm dịch không bị bệnh.

- Không ăn tiết canh.

- Không làm thịt và ăn các loại gia cầm ốm, chết.

Tăng cường sức khỏe và khả năng phòng bệnh:

- Rửa tay bằng nước sạch và xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm, trước khi ăn.

- Rèn luyện thân thể, giữ ấm cơ thể, để nâng cao khả năng phòng bệnh.

- Nên thay, giặt quần áo, rửa giầy dép hàng ngày.

Hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh:

- Hạn chế tiếp xúc gia cầm kể cả khi chúng còn khỏe.

- Không cho gà đấu chọi, không xem chọi gà.

- Chỉ giết mổ gia cầm khỏe; đeo khẩu trang, găng tay khi giết mổ; rửa dao, thớt bằng nước sôi sau khi giết mổ; nên có hai thớt để thái thịt sống và thái thịt chín.

- Không cho trẻ em tiếp xúc với gia cầm hoặc chơi cạnh chuồng gia cầm.

- Đeo khẩu trang, găng tay, mặc quần áo bảo hộ khi phải tiếp xúc với gia cầm.

Hãy đến ngay cơ sở Y tế nếu bị sốt cao trên 38 độ C, ho, đau ngực, khó thở kèm theo đau đầu, đau cơ mệt mỏi... để được khám và điều trị kịp thời. Không tự ý mua thuốc điều trị ở nhà.

M. Thư (tổng hợp)

Các tin liên quan

Việt Nam phòng cúm A/H7N9 từ Trung Quốc

Nguy cơ virus cúm H7N9 lây từ người sang người

Thêm 1 người chết vì virus cúm H7N9

Virus cúm H7N9 gây tử vong cho người ở TQ có gì lạ?