Người mẹ muốn tìm cách nói chuyện với con gái nên liếc nhìn vào màn hình điện thoại xem con đang làm gì, đứa con gái liền lớn tiếng “sao mẹ nhìn trộm điện thoại của con?”.

Những đứa con “cúi đầu”

Một người mẹ và hai đứa con ngoài tuổi 20 cùng vào một nhà hàng để đi ăn nhân dịp lễ 8/3. Con trai ngồi một bên, mẹ và con gái ngồi một bên. Trong lúc ngồi chờ đồ ăn, cả ba mẹ con đều lôi điện thoại ra lướt facebook. Người mẹ sau một hồi hết hứng thú với điện thoại liền quay sang hai đứa con để bắt chuyện nhưng cả hai đều đang rất chăm chú vào thiết bị điện tử đang cầm trên tay.

Muốn tìm cách bắt chuyện với con gái, người mẹ đành liếc nhìn sang màn hình điện thoại xem con đang làm gì, đứa con gái thấy vật liền lớn tiếng “sao mẹ nhìn trộm điện thoại của con?”. Người mẹ sững người, không biết trả lời ra sao chỉ biết im lặng.

Đó là một trong những câu chuyện về “những chiếc màn hình” hiển hiện trong các mối quan hệ xã hội hiện nay được thạc sĩ Bùi Trà My, Trường PTLC Olympia chia sẻ tại hội thảo “Sống sao cùng con trong thời đại số” diễn ra sáng 23/4 tại Hà Nội.

Trước sự phát triển không ngừng của công nghệ số, người lớn – trẻ nhỏ đều dễ dàng sở hữu một chiếc điện thoại thông minh cho riêng mình. Sự xâm nhập của các thiết bị điện tử khiến con người trở thích giao tiếp với máy móc hơn là giao tiếp với nhau.

“Chưa bao giờ chúng ta có nhiều màn hình đến thế. Thường xuyên trên bàn ăn gia đình hay trong nhà hàng, chúng ta nhìn thấy những thành viên trong gia đình, những người bạn cúi mặt xuống chiếc điện thoại, máy tính bảng để nhắn tin, lướt facebook  thay vì ngẩng lên trò chuyện với nhau”, thạc sĩ Trà My phản ánh.

{keywords}

Không khó để bắt gặp những hình ảnh như thế này – hẹn nhau đi ăn uống, cà phê nhưng thay vì giao tiếp với nhau thì lại giao tiếp với điện thoại (ảnh minh họa)

“Đầu tháng 4 vừa qua, ông Nitin Gajria - Giám đốc Google Việt Nam công bố con số gây sốc về số lần một người Việt cầm điện thoại lên xem mỗi ngày: 150 lần, tương đương trung bình hơn 10 lần/giờ. Báo cáo Vietnam Mobile Market 2015 của Tập đoàn Appota cho biết, trung bình, mỗi người Việt Nam sở hữu 1.4 thiết bị điện tử”, nữ thạc sĩ đưa ra con số để minh chứng.

Việc sử dụng điện thoại quá nhiều là nguyên nhân dẫn đến một hiện tượng bệnh lý mới – bệnh cúi đầu. Căn bệnh này ảnh hưởng lớn tới hệ xương, đặc biệt là xương vùng cổ, vai, lưng…bởi khi cúi đầu khối lượng đè lên cổ sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Theo Trung tâm phẫu thuật cột sống và phục hồi y học New York, cúi một góc 45 độ sẽ làm tăng thêm 22kg, góc cúi càng tăng thì trọng lượng “đè” lên cổ càng lớn. Cùng với đó, tình trạng đau nhức, mỏi cơ ở vùng lưng, vai, cổ… cũng là điều khó tránh khỏi.

Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, mà việc sử dụng điện thoại thông minh (smartphone)  quá nhiều còn tác động đến tâm sinh lý và các mối quan hệ trong gia đình. Thạc sĩ tâm lý Phương Hoài Nga, Trường PTLC Olympia cho biết thế hệ trẻ - những người thạo công nghệ đang phải đối diện với một loạt các vấn đề mới nảy sinh như: cô đơn trên mạng, khủng hoảng ngôn ngữ và giao tiếp, trưởng thành giả,... Các hiện tượng này, đặc biệt ở trẻ em, gây ra những vấn đề có thật trong sự phát triển của trẻ em nói riêng và sự phát triển xã hội nói chung.

{keywords}
Thạc sĩ Tâm lý Phương Hoài Nga.

Làm sao để tách con khỏi điện thoại?

Làm gì để tách con khỏi cơn nghiện điện thoại thông minh hay các thiết bị điện tử khác là câu hỏi mà tất cả các phụ huynh đều quan tâm.

Thạc sĩ Công nghệ thông tin Lê Đức Trung, Giảng viên ĐH Bách Khoa, ông bố có hai con tuổi teen chia sẻ rằng, trước đây khi máy tính và internet mới phổ biến, các bậc cha mẹ thường sử dụng phần mềm giám sát để quản lý con. Điện thoại thông minh cũng có những phần mềm hỗ trợ cho việc giám sát này.

Tuy nhiên, ngày nay giới trẻ cũng “ranh” không kém gì người lớn, thậm chí chúng còn thông thạo các ứng dụng, phần mềm hơn là cha mẹ. Chính vì vậy mà biện pháp này không còn hữu dụng nữa.

Và điều quan trọng là việc dùng các phần mềm giám sát sẽ phá vỡ niềm tin giữa cha mẹ và con cái. Vậy biện pháp là gì? Làm sao để vẫn bảo vệ, theo sát được con mà vẫn tôn trọng quyền riêng tư của con?

Thạc sĩ Đức Trung chia sẻ về kinh nghiệm quản lý con cái sử dụng thiết bị điện tử trong gia đình mình: “Gia đình tôi có một nguyên tắc bất di bất dịch là không ai được dùng tivi hay máy tính trong phòng riêng. Chúng tôi sử dụng một bàn làm việc chung, muốn sử dụng các thiết bị công nghệ thì mọi người đều phải ngồi ở chiếc bàn lớn đó. Ở môi trường công cộng như vậy, mỗi người sẽ tự ý thức điều chỉnh hành vi sử dụng các thiết bị số đó của mình. Và đó cũng là giờ sinh hoạt chung của gia đình, dù mỗi người làm một việc nhưng vẫn có sự giao tiếp với nhau nhất định. Để cái bàn làm việc chung đó hấp dẫn hơn với con, gia đình tôi thường cắm hoa, chuẩn bị đồ ăn vặt, nước uống.

Tôi cho phép hai con sử dụng facebook và chính tôi là người lập tài khoản cho chúng. Tôi thỏa thuận rõ với chúng rằng, ba sẽ đăng kí bằng tài khoản email của ba, tất cả các hoạt động của con trên facebook sẽ đều gửi tới địa chỉ email đó. Ba sẽ không xem hằng ngày nhưng theo định kỳ, cả hai ba con mình sẽ cùng ngồi lại xem lại các hoạt động của con. Nếu con đồng ý thì con sử dụng, còn nếu không con có quyền từ chối. Bằng những thỏa thuận như thế, người lớn vẫn có thể quản lý con mà không khiến chúng cảm thấy bị vi phạm đời tư”.

{keywords}

Sẽ khó để con nghe lời nếu chính cha mẹ cũng cắm mặt vào điện thoại. (ảnh minh họa)

Ông Trung nói thêm rằng, trước khi quyết định cho con sử dụng điện thoại thông minh, cha mẹ nên cân nhắc kỹ và đưa ra các quy định cụ thể để con không lạm dụng chiếc điện thoại vào các trò chơi, nhắn tin, lướt facebook. Bản thân gia đình ông đã từng gánh hậu quả khi quyết định cho con sử dụng smartphone.

“Lúc đó tôi hứa với con là nếu con đạt học sinh giỏi năm đó thì ba sẽ mua cho con điện thoại mới. Và khi lời hứa thành sự thật thì học kỳ sau con học kém hẳn vì mải mê xem các thứ trên smartphone. Lúc đó chúng tôi phải họp gia đình để giải quyết vấn đề. Tôi nói với con là, điện thoại là của ba, vì con có thành tích học tập tốt nên ba ủy quyền cho con sử dụng nó. Giờ con học kém, ba – chủ sở hữu của chiếc điện thoại sẽ tạm thời thu nó lại, khi nào lực học của con trở lại bình thường thì ba sẽ đưa lại cho con để con tiếp tục sử dụng”, anh Đức Trung chia sẻ.

Theo chuyên gia tâm lý Phương Hoài Nga, điều quan trọng nhất để tách con ra khỏi sức hút của chiếc điện thoại là người lớn phải làm gương và dành nhiều thời gian để trò chuyện với con. “Sẽ khó để trẻ nghe lời răn dạy của cha mẹ khi chính bản thân cha mẹ cũng cắm mặt vào chiếc điện thoại, xem tivi, bật máy tính hằng ngày. Nếu mỗi ngày cha mẹ dành một khoảng thời gian để ngồi trò chuyện với con thì mọi thứ sẽ khác”, chị Nga nói.

Kim Minh