Tận dụng “thời gian vàng” chống dịch

Theo Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, trong ngày 15/8/2021 tỉnh Cà Mau ghi nhận thêm 5 trường hợp nhiễm Covid-19, gồm 4 công dân Cà Mau được đón về từ TP.HCM và 1 trường hợp là nhân viên giao hàng trên xe tải.

Tính từ đợt dịch thứ 4 bùng phát đến ngày 15/8, tỉnh Cà Mau ghi nhận 59 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, đều ở khu cách ly hoặc khu vực phong tỏa và 1 ca nhập cảnh. Hiện còn khoảng 33 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Cà Mau, Bệnh viện Sản-Nhi Cà Mau và Bệnh viện dã chiến số 2.

{keywords}
Ảnh: ipec.camau.gov.vn

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ký quyết định kéo dài thời gian áp dụng thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh thêm 5 ngày, tính từ 0 giờ ngày 16/8. Quyết định nhấn mạnh, trong thời gian thực hiện giãn cách, từ 19 giờ hôm trước đến 4 giờ ngày hôm sau yêu cầu mọi người dân hạn chế tối đa ra đường. Riêng đối với các doanh nghiệp chế biến, sơ chế thủy sản được hoạt động và phải thực hiện nghiêm theo kế hoạch phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đề nghị tăng cường kiểm soát chặt chẽ đối với việc ra/vào tỉnh, tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi tỉnh cho tới khi hết thời gian giãn cách, trừ những người được chính quyền cho phép.

Để tranh thủ khoảng “thời gian vàng” này, UBND tỉnh yêu cầu “thần tốc” tổ chức xét nghiệm các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao, nhanh chóng tổ chức điều tra, khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm, sàng lọc nhanh, chính xác, tách F0, F1 ra khỏi cộng đồng để thực hiện cách ly, điều trị theo quy định. Đồng thời, phát huy tối đa hiệu quả các tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng, nắm rõ những gia đình có người làm việc, học tập sinh sống, điều trị bệnh ngoài tỉnh để có phương án hỗ trợ phù hợp giúp người dân ở lại tại chỗ. Trong trường hợp người dân trở về địa phương phải ngăn chặn, phát hiện nhanh, quản lý chặt, khoanh vùng, đưa đi cách ly kịp thời theo đúng quy định của tỉnh đang áp dụng thực hiện.

{keywords}
Ảnh: ipec.camau.gov.vn

Ngày 11/8 Sở Y tế Cà Mau cho biết, Cà Mau cơ bản đã tiêm hết số lượng vắc xin Covid-19 được phân bổ là 123.670 liều cho người dân ở những vùng được đánh giá có nguy cơ cao trên địa bàn tỉnh. Dân số tỉnh Cà Mau hiện khoảng gần 1,2 triệu người. Theo ước tính, Cà Mau cần tiêm cho khoảng 815.000 người, tương đương nhu cầu khoảng 1,63 triệu liều vắc xin để đạt được miễn dịch cộng đồng.

Hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó giữa đại dịch

Nhằm tạo thuận lợi tối đa để người dân, DN sớm nhận được hỗ trợ trong mùa dịch, Cà Mau linh hoạt triển khai các dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Trong đó bao gồm các dịch vụ hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất.

Tổng đài Hành chính công của Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh sẽ hướng dẫn, hỗ trợ người dân, DN các quy trình, cách thức thực hiện.

Ngoài ra, UBND tỉnh Cà Mau cũng quyết định chi hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 với mức là 1,5 triệu đồng/người cho lao động không giao kết hợp đồng lao động, làm công cho các cơ sở, dịch vụ hoạt động kinh doanh ngành nghề, công việc bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu cơ quan thẩm quyền, để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 gồm: điểm du lịch, quán bar, vũ trường, karaoke, bida, rạp chiếu phim, game, internet công cộng, massage, thẩm mỹ, tập thể hình, thể dục dụng cụ, hồ bơi, yoga, sân bóng đá, dịch vụ ca hát tập trung đông người, bán lẻ vé số lưu động và các dịch vụ ăn, uống hàng quán (trừ hình thức bán hàng mang về).

Trước đó, tỉnh Cà Mau đã hỗ trợ bước đầu cho 271 hộ kinh doanh, mỗi hộ 3 triệu đồng tại các huyện Trần Văn Thời, Năm Căn, Ngọc Hiển, Cái Nước, Phú Tân, Đầm Dơi, Thới Bình, U Minh và TP. Cà Mau. Tỉnh đang tiếp tục xúc tiến rà soát, đề nghị hỗ trợ cho các trường hợp phát sinh.

{keywords}
Ảnh: ipec.camau.gov.vn

Nắm bắt khó khăn tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh, UBND cùng các cơ quan, đơn vị liên quan đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ, tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm. Trong đó có thể kể đến việc đề xuất ý kiến với các tỉnh, thành phố trong việc phối hợp, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của nhau, tăng cường các hoạt động xúc tiến, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng với các nhà phân phối, các tổ chức xúc tiến thương mại tại nhiều địa phương trên cả nước.

Tỉnh Cà Mau đồng thời kiến nghị với Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và các hiệp hội, ngành hàng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất khẩu như thiếu container, chậm vận chuyển container hàng hoá xuất khẩu,…

Ngày 14/8, Cà Mau tổ chức đợt đầu tiên đón 94 công dân Cà Mau đi khám chữa bệnh; HSSV khó khăn; công nhân, người lao động mất việc làm, bị kẹt lại TP.HCM do thực hiện giãn cách để phòng, chống dịch Covid-19.

Sau đợt này, tùy vào tình hình của dịch bệnh Covid-19, Cà Mau sẽ tiếp tục có những phương án mới đón người dân của tỉnh đang sinh sống, làm việc, học tập ở các tỉnh lân cận TP.HCM, trong đó ưu tiên đối tượng người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người đi khám chữa bệnh.

D.A