- Chia sẻ về mức chi tiêu, chị Sửu tiết lộ tất cả mọi chi tiêu hàng ngày của gia đình đều sử dụng tiền bán hàng của chị. Tuy nhiên chị cũng bật mí, nhờ khéo tiết kiệm nên gia đình vẫn có một chút tiền dư để sau này sửa lại căn nhà.

"Phú quý ở quê không bằng ngồi lê kẻ chợ"

"Năm nay ông nhà tôi 50 tuổi, ông ấy bị căn bệnh đau tiền đình, nghiện rượu nặng. Tôi năm nay 40 tuổi rồi nhưng vẫn phải lên đây chạy hàng rong bán dứa kiếm tiền nuôi chồng con", những chia sẻ thật lòng của chị Nguyễn Thị Sửu ở Đan Phượng, Hà Nội.

 

{keywords}
 
Chị Sửu chia sẻ vất vả với nghề bán hàng rong của mình
 

Chị Sửu cho biết, chị và chồng sinh được ba người con, hai gái một trai. Cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn khi cả 5 nhân khẩu chỉ trông chờ vào 2 sào ruộng đứng tên hai vợ chồng chị. Cuộc sống vốn nghèo nay ông Nam chồng chị lại mắc chứng bệnh đau tiền đình sinh ra việc nghiện rượu.

"Khổ lắm cô à, trước đây ông nhà tôi còn khỏe thì đi mò cua, bắt ốc kiếm được đôi ba chục chứ từ lần có bệnh đau yếu rồi uống rượu thì chả kiếm được đồng nào. Thế nên tôi mới phải tranh thủ lên đây đi buôn dứa bán rong nuôi chồng con", chị Sửu nói.

Chia sẻ về mức chi tiêu, chị Sửu tiết lộ tất cả mọi chi tiêu hàng ngày của gia đình đều sử dụng tiền bán hàng của chị. Tuy nhiên chị cũng bật mí, nhờ khéo tiết kiệm nên gia đình vẫn có một chút tiền dư để sau này sửa lại căn nhà.

"Mỗi ngày trung bình tôi bán được khoảng 200.000 đồng, mất tiền xăng xe máy khi chạy từ nhà xuống điểm gửi xe để lấy xe đạp đi mất khoảng 10.000 đồng, tiền cơm thì sáng dậy tôi nấu cơm, thức ăn mang đi, tối bán hàng xong 10 giờ đêm thì ăn ở nhà, tiền vốn thì mất khoảng tầm 80.000. Tính ra mỗi ngày tôi vẫn còn dư giả được khoảng 100.000 đồng để mang về", chị Sửu chia sẻ.

{keywords}
 
Hộp cơm được chuẩn bị sẵn từ nhà mang đi ăn buổi trưa của chị Sửu
 

Chị Sửu kể: "Hồi đầu mới chuyển từ đi cấy sang đi bán hàng rong này tôi còn bỡ ngỡ lắm. Nhiều khi không quen mình còn bị lỗ vì mua phải hàng thối, hàng kém chất lượng. Rồi không cẩn thận bị công an bắt thì mất trắng. Thế nhưng khổ mấy thì vẫn sướng hơn ở quê làm ruộng cô ạ. Người ta chẳng bảo "Phú quý ở quê cũng không bằng ngồi lê kẻ chợ". Người ta đi được thì mình cũng đi được mà kể ra bán được cũng là do cái lộc nữa. Lộc ai người ấy bán. Người nào có lộc nhiều thì bán được nhiều, không có lộc thì dù muốn hay không cũng bán được ít, đi rong nhiều cũng chỉ vậy".

Chia sẻ về những chị em đồng cảnh chị Sửu khuyên: "Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Người đàn bà là người thu vén cho gia đình nên cần chi tiêu hợp lý, tiết kiệm. Tôi nghĩ hàng tháng ngoài tiền học cho con là khoản cứng thì chị em nên chia ra các khoản cần chi và chỉ chi trong khoản ấy.

Khi đi chợ thì phương châm càng rẻ thì càng tốt nhưng rẻ cũng phải tươi ngon một chút. Nước mắm, muối, mì chính, đường, dầu mỡ thì đợi giảm giá, khuyến mãi. Mình dân lao động không cần phải đẹp lắm nên quần áo thì chọn hàng rẻ, hàng cũ để mua hay chờ cuối mùa người ta xả hàng thì sẽ tiết kiệm hơn được một khoản. Rau xanh, hoa quả thì mình bán nên tận dụng hàng ế mình ăn cũng được".

Tuy nhiên, chị Sửu cũng cho biết thi thoảng gia đình chị vẫn đổi vị những bữa ăn nhạt của gia đình mà không phạm vào khoản tiết kiệm hàng tháng nhờ biết chi tiêu. Ví dụ như đi chợ mua được con gà, con vịt nhiều thịt hay mua một vài bộ quần áo mới cho chồng con.

"Người ta một nghề no, tôi trăm nghề đói"

Đó là những tâm sự thật lòng của anh Nguyễn Văn T, (sinh năm 1980) ở Quốc Oai, hà Nội. Anh T hiện lái xe ôm tại khu vực gần ngã tư đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

{keywords}
 
 Anh T lái xe ôm ở đường Lê văn Lương
 

Anh T cho biết, ở quê hai vợ chồng chỉ làm nông nghiệp nên tất cả mọi chi tiêu hàng ngày đều do một mình anh gánh vác. Cách đây 5 năm anh rời quê để lên nội thành để chạy xe ôm kiếm sống và tăng thu nhập cho gia đình. Anh T tiết lộ thời gian đầu khi mới chạy xe mức thu nhập của anh khá ổn nhưng vài năm trở lại đây thì lại cực kỳ bấp bênh khi một tay anh phải nuôi nách 2 con nhỏ đang tuổi ăn học.

Anh T chia sẻ: "5 năm trước tôi phải rời quê lên đây chạy xe ôm kiếm sống vì nuôi hai con ăn học. Thằng lớn năm nay học lớp 3 còn đứa em học lớp 1 , vì vậy hàng tháng tôi phải kiếm được đôi ba triệu gửi về quê. Tuy nhiên vài năm nay thì đói kém lắm cô ạ. Hàng tháng ở đây kiếm được 3 triệu thì sau khi phải trừ các khoản như tiền thuê nhà trọ, tiền ăn uống, xăng xe... thì số tiền tiết kiệm gửi về quê lại chẳng đáng là bao".

Anh T tiết lộ: "Tiền xăng hàng tháng tôi tiêu hết khoảng 600.000 đồng; tiền nhà+điện nước 750.000 đồng ( vì tôi ở cùng với một đứa em họ cho rẻ); tiền ăn sáng, trưa, tối 600.000 đồng, thi thoảng về quê vợ hay chuẩn bị đồ ăn sẵn lên nên đỡ ăn hàng quán hơn một chút; bột giặt, nước mắm, mì chính thì tôi thường mua đồ khuyến mãi cho rẻ; điện thoại hết 100.000 đồng".

Ngoài ra anh T còn cho biết thi thoảng anh còn phải kiêm thêm nghề khác như bốc vác, nhận giao đồ cho khách, nhận chở em bé đi học vào buổi sáng hay chạy taxi theo ngày để có thêm đồng ra đồng vào lúc vắng khách.

Anh T ví: "Người ta một nghề thì no đủ, dư giả còn tôi làm cả trăm nghề mà đói kém. Nhiều hôm mưa bão người ta đi taxi thì cánh chạy xe ôm như chúng tôi móm, đói. Lúc đấy lại phải lấy khoản này đập vào khoản kia, rồi làm nghề khác để có tiền gửi về chứ ngồi không thì chết đói. Ấy là còn chưa kể đến việc đen đủi bị công an bắt nữa đấy. May mà ở nhà vợ tôi khéo thu vén nên mới được như thế này".

H.Thúy