- Tết là dịp đoàn viên, sum vầy, cả vợ và chồng đều muốn về nhà bố mẹ đẻ ăn Tết là tâm lý hết sức bình thường. Chỉ cần hiểu và thông cảm cho nhau thì không khó để chu toàn Tết cả hai bên nội ngoại.

Cứ vui vầy lúc nào là Tết lúc đó!

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nào cũng vậy, lịch nghỉ Tết kéo dài ít nhất là một tuần. Trong 7-9 ngày nghỉ, không khó để sắp xếp lịch đi chúc Tết cả hai bên nội ngoại dù có xa cách hàng trăm cây số. Điều quan trọng là vợ chồng phải thống nhất với nhau, thông cảm cho nhau.

Lấy chồng cách nhà mẹ đẻ gần 500 cây số nhưng Tết năm nào chị Thu Quyên (quê TP Lào Cai, lấy chồng TP Nam Định) cũng vẫn chu toàn được cả hai bên nội ngoại. Hai vợ chồng chia kỳ nghỉ Tết làm đôi, một nửa bên nội, một nửa bên ngoại.

Hai vợ chồng chị ở riêng cách nhà bố mẹ chồng không xa nên mùng 1 chị mới sang nhà cùng mẹ chồng làm cỗ. Đi chúc Tết họ hàng bên nội đến chiều tối ngày mùng 2 thì di chuyển lên Hà Nội bắt chuyến tàu đêm lên Lào Cai. Sáng Mùng 3 đã có mặt ở quê ngoại đón Tết cùng gia đình.

“Đừng quá quan trọng là cứ phải về đón Tết mùng 1, mùng 2 mới vui. Nhà mình thì cứ sum vầy lúc nào là Tết lúc đó. Về thăm nhà được là mừng rồi, không nhất thiết cứ phải là Tết”, chị chia sẻ.

{keywords}
Về Tết quê ngoại sớm, gia đình chị Quyên còn tranh thủ đi “du hí” Sa Pa (trong ảnh là phiên chợ tình Sa Pa được chị Quyên ghi lại).

Quê ngoại ở xa, con nhỏ đi lại vất vả thường là lý do khiến những nàng dâu trẻ khó về thăm bố mẹ đẻ ngày Tết. Chị Quyên thì khác, dù chị đang bầu bé thứ hai ở tháng thứ 7 nhưng bố mẹ chồng vẫn vui vẻ đồng ý để chị vượt 500 cây số về chúc Tết nhà ngoại. Bí quyết của chị là biết chọn thời điểm thích hợp.

“Đợi đúng Tết về thì bụng to quá đi lại vất vả, mà bố mẹ hai bên cũng không yên tâm nên hai vợ chồng quyết định về Tết ông bà ngoại sớm hơn mọi năm. Về sớm xe cộ đỡ đông, thời gian đi thăm họ hàng cũng thoải mái hơn. Hai vợ chồng còn tranh thủ lên Sa Pa thăm thú được một chuyến”, chị Quyên kể.

Hai vợ chồng vừa có chuyến về Lào Cai chúc Tết vào chủ nhật tuần trước, tức sau Tết dương lịch 10 ngày. Chị bảo, định về đúng Tết dương nhưng bận quá nên phải lùi lịch lại. Về sớm nhưng bố mẹ chị cũng đã chuẩn bị đầy đủ các món truyền thống của Tết, gia đình sum họp, ăn uống vui vẻ không khác ngày Mùng 1 Tết là bao.

“Ai cũng vậy thôi ngày Tết bố mẹ đều muốn có con cái về để sum họp. Nhưng mình nghĩ các cụ có câu lấy chồng thì phải theo chồng, phận dâu ngàyTết rất quan trọng đối với gia đình chồng nên mình có thể thu xếp về trước hoặc sau Tết cũng được, nếu mình làm gì đó để chồng và gia đình chồng buồn thì bố mẹ mình cũng chẳng vui gì. Nên thu xếp thế nào cho hài hoà giữa hai bên là được”, chị chia sẻ thêm.

Mời bố mẹ chồng cùng về ngoại ăn Tết

Lấy chồng xa nhà nên chị Liên (quê Hưng Yên, lấy chồng ở Hà Nội) cũng muốn được sum họp cùng bố mẹ đẻ vào những ngày Tết. Nhưng bố mẹ chồng đã có tuổi, lại quý cháu nên chị ưu tiên đón Tết nhà nội trước.

Hằng năm, cứ 29-30 là chồng chị về quê biếu Tết ông bà ngoại trước. Chị ở trên này lo sắm Tết cùng bà nội. Đón Tết cùng bố mẹ chồng xong, Mùng 2 sẽ về Hưng Yên chơi hai ngày.

“Trước Tết đã thủ thỉ kế hoạch về quê ngoại mấy ngày. Ban đầu chồng cũng phản đối nhưng sau mình nói cả năm ở với ông bà nội, có ngày Tết được nghỉ dài thì tranh thủ cho cháu về chơi với ông bà lâu lâu một chút rồi chồng cũng đồng ý”, chị chia sẻ.

Chị Liên cũng xin phép mẹ chồng, rồi mời luôn bố mẹ chồng về nhà chơi. Ông bà ngoại cũng gọi điện lên xin phép và mời về quê cùng ăn Tết cho vui. “Cả hai năm bố mẹ chồng đều về Hưng Yên chúc Tết. Mình sẽ về trước một hai ngày, bố mẹ chồng xuống chơi rồi cả gia đình cùng lên Hà Nội luôn”, chị chia sẻ.

Để vui vẻ cả đôi bên, chị không quá cứng nhắc là vợ chồng phải kè kè bên nhau. Chị thường để chồng lên Hà Nội trước, chị và con ở lại chơi vài hôm rồi mới lên sau.

“Nếu hai vợ chồng mà thống nhất được với nhau thì không có vấn đề gì là khó khăn cả, bố mẹ chồng hiểu chuyện và thông cảm cho con cái nữa thì không gì bằng”, chị nói thêm.

Kim Minh