Tôi nói xây nhà thờ họ phải có số đỏ mới xây nên xảy ra cãi vã. Ông chú họ chi 3 hăng hái cậy quyền  nói anh tôi không ra gì rồi đòi “từ mặt nhau”. Chưa hết ông ấy còn đuổi anh em tôi ra khỏi họ. Anh tôi tuyên bố không họ mạc gì nữa.

Chẳng là họ nhà tôi gồm có 03 chi, rất không may là chi 1 nhà tôi ông bác Trưởng mất sớm (bị giặc pháp bắn tháng 11 năm 1951 lúc đó mới 39 tuổi) và có hai cô con gái. Bố tôi là em lại có hai người con trai. Anh tôi và tôi. 

Các chị con bác tôi đã lấy chồng đến năm (không nhớ rõ năm khoảng 1980 - 1982) khi bác gái mẹ các chị mất, thì họ chuyển bát Hương nhà bác Trưởng về nhà tôi để mẹ tôi và anh trai tôi cúng coi như thừa kề trưởng họ cúng giỗ Tổ. 

Đến năm không còn HTX toàn xã nữa, thì các ao chuyển về cho các hộ sử dụng, nhà bác tôi có cái ao to mới xảy ra tranh chấp, chị con bác tôi lấy chồng cùng xóm lại ở luôn tại đất của bác, sau khi được giải thích về hương hỏa thì chị tôi cũng nguôi ngoai không tranh chấp nữa, thế là cả họ thu ao về khoán cho một nhà trông coi thả cá. 

Hàng năm thì họ thu (tô) về để cúng giỗ Tổ (có khoảng 79 đến 80 hộ thường là từ 13 đến 15 mâm cỗ, mỗi ông đóng 10.000 đồng) còn lại là quỹ họ chi, chuyện cãi cọ qua ăn giỗ, uồng rượu như tuần báo là có nhiều rồi.

{keywords}

Ảnh minh họa

Đến nay các dòng họ trong làng xây nhà thờ họ, trong họ bàn nhiều về việc xây nhà thờ họ. Anh trai tôi năm nay 69 tuổi, còn có các ông chú họ ở chi 2 và chi 3 ít tuổi hơn ông anh tôi mới 64 – 67 tuổi yêu cầu anh tôi bán lại cho cái ao nhỏ khoảng 300 m2 ngay cạnh ao to của bác tôi mà họ đang thả cá.

Anh tôi đồng ý bán lấy 200 triệu, các ông chú không nghe, trưởng họ mà bán đắt thế… Tôi nói xây nhà thờ họ phải có số đỏ mới xây, thế là bàn chuyện mang tên ai ? Ở sổ đỏ đất ao đó, đã xảy ra chuyện cãi vã. Ông chú họ chi 3 hăng hái nhất cậy quyền chú nói anh tôi không ra gì rồi đòi “từ mặt nhau”. Chưa hết ông ấy còn đuổi anh, em tôi ra khỏi họ. Anh tôi tức quá tuyên bố không họ mạc gì nữa. Anh tôi nói: Tôi trưởng họ không đuổi các ông thì thôi, coi như chia chi ra, chi nào về chi ấy. Thế là chị họ tôi làm đơn đòi lại ao, vì ao là của chi 1 không thể chi khác được. Hiện UBND xã đã mời đại diện họ và chị họ tôi đến UBND xã họp để hòa giải.

Bà chị họ và anh trai tôi đang mong tôi về cùng giải quyết việc họ, nhất thiết là chia chi họ ra và đòi ao là của chi 1 …. (còn 4 tháng nữa tôi về hưu rồi).

Rất mong các Luật gia tư vấn giúp tôi.

Hòa An (Tuyên Quang)

Chào bạn, 

Thứ nhất: Về việc đứng tên chung Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất.

Điều 220 Bộ luật dân sự 2005 quy định về tài sản thuộc ở hữu chung của cộng đồng như sau:

“1. Sở hữu chung của cộng đồng là sở hữu của dòng họ, thôn, ấp, làng, bản, buôn, sóc, cộng đồng tôn giáo và các cộng đồng dân cư khác đối với tài sản được hình thành theo tập quán, tài sản do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm mục đích thoả mãn lợi ích chung hợp pháp của cả cộng đồng.

2. Các thành viên của cộng đồng cùng quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung theo thoả thuận hoặc theo tập quán, vì lợi ích của cộng đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

3. Tài sản chung của cộng đồng là tài sản chung hợp nhất.”

Theo thông tin bạn cung cấp thì mảnh đất tranh chấp trên là mảnh đất thuộc sở hữu chung của các thành viên trong họ thuộc chi của bạn nên theo quy định trên mỗi người trong dòng họ của chi bạn là một chủ sở hữu và mỗi người đều có quyền sử dụng định đoạt đối với tài sản chung đó. Việc sử dụng, định đoạt đối với mảnh đất trên phải có sự quyết định của tất cả những người đồng sở hữu nên khi xảy ra tranh chấp thì cũng cần có những người đồng sở hữu có mặt để giải quyết tranh chấp.

Tuy nhiên, mảnh đất trên chưa có sổ đỏ, trong trường hợp này, cả họ chi của bạn có thể làm sổ đỏ đứng tên của tất cả những người đồng sở hữu theo quy định tại Khoản 2 Điều 98 Luật Đất đai năm 2013: “Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện.”

Theo quy định trên, những người đồng sở hữu cấp chung một giấy chứng nhận quyền sở dụng đất cho một người đại diện .

Thứ hai: Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.

Nếu có tranh chấp về quyền sử dụng đất hay ao thì được giải quyết căn cứ theo Điều 203 Luật Đất Đai 2013 tại UBND hoặc Tòa án có thẩm quyền.

(Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.)

Hạnh Thúy