Xung quanh chợ Kim Biên, chợ Lớn - nơi tập trung đông người Việt gốc Hoa ở Sài Gòn sinh sống có nhiều món ăn mà bạn khó có tìm thấy ở những quận khác trong thành phố.

1. Hủ tiếu sa tế Nai – bò

Hủ tiếu sa tế hay tiếng Hoa gọi là “sa tế phảnh” là món ăn đặc trưng của người Hoa sống tại thành phố. Điểm khác biệt của món hủ tiếu này nằm ở phần nước dùng. Nước dùng của hủ tiếu sa tế có độ sệt, chỉ vừa xăm xắp sợi hủ tiếu, có màu nâu đục và thơm lừng vị đậu phộng rang, vị mè. Ngoài ra món ăn không hề cay như tên gọi, chỉ hơi the the, vị thơm nồng và béo đậm đà nhờ đậu phộng rang kĩ giã nhuyễn, nấu trong nước lèo.

{keywords}

Hủ tiếu sa tế nai.... Theo SGTT

Hủ tiếu sa tế thường ăn kèm với thịt bò hoặc thịt nai, món ăn khoái khẩu này để lại ấn tượng trong trí nhớ của mọi thực khách chính bởi sự hòa quyện khéo léo giữa độ dai mềm, ngọt tiết của thịt tái, cái béo thơm của nước dùng, vị hăng cay nhẹ của sa tế. Rất khó để tìm món ăn này ngoài khu người Hoa quận 5 và quận 11. Ngay chính trong khu người Hoa, món này cũng chỉ bán ở một số xe đẩy xung quanh chợ Kim Biên.

{keywords}

2. Bún mì vàng

Bún mì vàng thật ra là một món nước có cách chế biến cũng khá quen thuộc với đa số người Việt với nước dùng nấu từ xương thịt với yêu cầu nước phải trong. Bún mì vàng bao giờ cũng đa dạng thức ăn kèm, khi thì thịt xắt lát mỏng vừa ăn, có nơi thêm cả gan và cật, đặc biệt không thể thiếu bánh tôm chiên. Bánh tôm chiên kiểu người Hoa là bột mì được cán thật mỏng, ấn một con tôm nhỏ rồi đem chiên thật vàng đều, khi dọn ra bao giờ đây cũng là phần hấp dẫn nhất tô.

{keywords}

Từ “bún” trong món này là bún gạo tươi, sợi rất mảnh, trụng còn dai nhai sần sật.

Mì vàng ở đây khác với mì tươi. Nếu sợi mì tươi có dạng mảnh, màu vàng hơi trong, nhai vào giòn sật thì sợi mì vàng to hơn, dạng tròn, màu vàng đục, mềm chứ không dai. Một số nơi, bún mì vàng ăn kèm với rau xà lách xoong rất lạ miệng nhưng chính vị chát của cải xoong đã làm nên “cái hồn” cho món ăn tuy lạ mà quen này. Bạn có thể ăn bún mì vàng tại quán Thuận Kí trên đường Hải Thượng Lãng Ông quận 5.

3. Chè

Chè người Hoa khác với người Việt rất nhiều, chính vì thế nếu có dịp đến khu người Hoa, nhất định bạn phải ăn chè để không uổng một chuyến đi.

Chè người Hoa lấy cái ngọt thanh tao của đường phèn làm tiêu chuẩn. Những món đặc trưng khó kiếm ở quận khác mà bạn nên thử là: hột gà trà, chè đậu hũ hạnh nhân, chè bo bo trứng cút, chè bạch quả...

{keywords}

Chè là một món ngọt truyền thống của người Hoa. Chè Hoa đặc biệt ở chỗ dù là cùng một món, nhưng chỉ cần thay đổi lựa chọn nóng – đá thì đã cho ra hai vị hoàn toàn khác nhau. Với nếp sinh hoạt gia đình và xem trọng các phương thức chế biến món ăn, chè thường được ăn như bữa khuya, ăn nhẹ để ngủ ngon và sảng khoái hơn cho buổi sáng ngày hôm sau. Một số quán chè nổi tiếng ở khu người hoa như Hà Kí, Tường Phong, Thanh Tâm… đều đông đúc vào tầm tối.

{keywords}

4. Hủ tiếu hồ

Hủ tiếu hồ là một món ăn đặc sắc nữa mà có lẽ chỉ khu người Hoa mới có bán. Nhưng ngay chính trong khu người Hoa, bạn còn phải tìm đến đúng địa chỉ là góc đường Gò Công – Gia Phú (quận 6) từ sau 12 giờ trưa mới có thể thưởng thức món ăn lạ này.

{keywords}

Hủ tiếu hồ có sợi hủ tiếu bảng to, dạng hình vuông, lá bánh mỏng mượt, ăn kèm với cải chua xắt nhỏ và bao tử heo, lưỡi heo. Món hủ tiếu này có nguồn gốc từ người Tiều (một dân tộc người Hoa), nên dù là sợi bánh hay nước dùng, thức ăn kèm, cũng khác lạ. Điểm đặc sắc của món ăn này ngoài yếu tố “lạ” thì có thể thấy nước dùng bớt ngấy hơn hủ tiếu thông thường do có cải chua trung hòa.

{keywords}

Cải chua làm nên vị ngon cho nước dùng của hủ tiếu hồ.

5. Hoành thánh lá

Hoành thánh lá hay người Hoa vẫn gọi là “hoành thánh phỉ” – một món ăn bình dân bậc nhất thường dùng để ăn sáng và ăn xế ở quận 5, 6, 11 - những khu vực đông người Việt gốc Hoa sinh sống. Hoành thánh lá không gói thịt bên trong, chỉ nấu lá hoành thánh, thịt bằm, huyết, tôm khô, hành lá xắt nhuyễn và nhiều tiêu. Món ăn rất ngọt thịt, thơm đậm đà và nóng hổi, cay xuýt xoa.

{keywords}

Nguồn ảnh: Foody.vn

Hoành thánh lá chỉ từ 10.000 đồng/tô nên là món ăn sáng quen thuộc với người dân lao động. Món ăn lại mềm, đủ chất, nên cũng là “người bạn” quen thuộc của các bé học sinh tiểu học khu này. Hãy ăn thử hoành thánh lá một lần, bạn sẽ nhận ra món ăn này nom đơn giản, nhạt nhẽo, nhưng lại thơm ngon và dễ ăn, dễ nhớ, dễ thèm đến mức mỗi sáng mỗi ăn vẫn chẳng biết ngán. Bạn có thể tìm món này dễ dàng ở các xe đẩy trên những con đường nhỏ

(Theo Trí thức trẻ)