Sau 10 năm thực hiện chính sách Tam nông, tỉ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm nhanh, chỉ còn 8%. Tuy nhiên, khu vực nông nghiệp nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn phải đối mặt, cần những giải pháp để thích ứng với tình hình mới.

Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2008-2017, GDP ngành nông nghiệp đạt  2,66%/năm, giá trị sản xuất tăng 3,9%. Thông qua các mô hình sản xuất, hỗ trợ người nghèo, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, tỉ lệ hộ nghèo liên tục giảm. Năm 2017, tỉ lệ hộ nghèo ở nông thôn chỉ còn 8%.

Tuy nhiên, khu vực nông nghiệp nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn đang và sẽ phải đối mặt. Đó là: Những hạn chế, yếu kém nội tại của nền sản xuất nhỏ, chậm khắc phục; Biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp; Các nguồn lực cho tăng trưởng sẽ ngày càng khan hiếm, đắt đỏ; Ô nhiễm môi trường và các mối nguy cơ về ô nhiễm môi trường, tài nguyên (đất, rừng, nước biển) ngày càng lớn và phức tạp hơn; Áp lực cạnh tranh các nguồn tự nhiên, đặc biệt là đất và nước vốn đang dành cho sản xuất nông nghiệp và cạnh tranh từ hội nhập quốc tế.

{keywords}
Nông thôn mới cần những sinh kế mới. Ảnh: Lê Thăng

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng nông dân Việt để thích ứng với tình hình mới cần nhận diện một thị trường nông sản đang thay đổi nhu cầu: từ giảm ăn ngũ cốc, tăng sản phẩm chăn nuôi, thủy sản, rau quả; xu hướng lựa chọn những sản phẩm thân thiện môi trường, an toàn và có lợi cho sức khỏe con người. Bên cạnh đó, nông dân phải chuẩn bị sẵn sàng gia nhập vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0, trở thành một bộ phận trong chuỗi sản xuất cung ứng sản phẩm nông nghiệp lớn. Cùng với đó là việc thay đổi phương thức canh tác, sẵn sàng phương án thích ứng với biến đổi khí hậu và các diễn biến thời tiết cực đoan đang ngày càng phức tạp.

Góp ý vào định hướng chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn trong thời gian tới, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, ngoài việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tăng cường hiệu quả đầu tư cho kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn thì Đảng và Nhà nước cũng cần có những giải pháp cải thiện sinh kế cho cư dân nông thôn. Các giải pháp này cần tập trung vào 5 nội dung:

Phát huy nội lực cộng đồng: Tập trung vào việc nâng cao năng lực cho lãnh đạo cộng đồng, cán bộ phát triển nông thôn, phân cấp quản lý đến cấp thôn và tăng cường sự tham gia, giám sát của cư dân và các tổ chức cộng đồng nông thôn từ việc xây dựng quy hoạch, lên kế hoạch đến triển khai các hạng mục trong chương trình nông thôn mới.

Hỗ trợ người nghèo dựa trên triển vọng phát triển vùng, liên kết nông thôn - đô thị, trong đó tập trung vào những nhóm đối tượng mục tiêu trọng tâm là người nghèo và cận nghèo ở nông thôn, đặc biệt là nhóm dân tộc thiểu số và phụ nữ. Đảm bảo khả năng tiếp cận của phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số với dịch vụ khuyến nông. Tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân nghèo nông thôn được tham gia và chuỗi giá trị nhất định thông qua tăng cường năng lực cho các nhóm nghèo, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào các vùng khó khăn, kém phát triển. Nhà nước phối hợp với các tổ chức đoàn thể hỗ trợ hình thành các nhóm đồng lợi ích để thúc đẩy quá trình chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa, khuyến khích chia sẻ kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ giữa nông dân khá giả hơn và nhóm nông dân nghèo hơn.

Tạo điều kiện để nông dân sản xuất quy mô lớn, trang trại nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển bền vững, cải thiện chất lượng nông sản phẩm. Nhà nước có thể hỗ trợ về hạ tầng sản xuất, tiếp cận KHCN, hỗ trợ tăng cường liên kết chuỗi giá trị và xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nông sản; hỗ trợ một phần chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng khu trang trại tập trung (giao thông, điện, nước…); hỗ kinh phí xây dựng hệ thống xử lý môi trường, nhất là các trang trại chăn nuôi, thủy sản.

Đào tạo nâng cao năng lực cho chủ trang trại và lao động làm việc trong các trại về quản trị, kĩ thuật sản xuất. Có chính sách hỗ trợ tiếp cận tín dụng cho trang trại.

Tạo điều kiện vốn hóa đất đai, tài sản và phát triển bảo hiểm xã hội cho những nông dân rời bỏ nông nghiệp tham gia vào lĩnh vực phi nông nghiệp tại nông thôn và đô thị. Đổi mới các chương trình đào tạo nghề nông thôn, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp thuê lao động theo nhu cầu. Xóa bỏ những rào cản gắn với việc hỗ trợ tiếp cận dịch vụ xã hội (y tế, giáo dục, nhà ở…) cho những người di cư tới đô thị…

H.My - Mai Hương