- Ở tuổi 49, Raj Karamchedu (quốc tịch Ấn Độ, đang sống tại Mỹ) vẫn nồng nhiệt theo đuổi giấc mơ khởi nghiệp. Bán đi căn nhà mua được sau hàng chục năm tích cóp ở Silicon Valley để chuyển đến thuê một căn hộ tối giản với duy nhất một phòng ngủ, ông dành trọn số tiền thu được để đầu tư cho ý tưởng mạng xã hội R với ước mơ xóa rào cản bất bình đẳng xã hội

Suốt cuộc đời mình, Raj theo đuổi tri thức và hạnh phúc từ việc trải nghiệm cuộc sống qua tinh thần và cảm xúc. Ông mong ước có thể rút ngắn những bất bình đẳng xã hội, đặc biệt trong giáo dục trên khắp thế giới, giúp con người có thể tiếp cận với tri thức một cách hiệu quả hơn.

Ông là người sáng lập ra R– một ứng dụng di động cho iPhone và điện thoại Androi, dùng cho việc học tập thông qua cộng đồng với video selfie. R – sản phẩm và là giấc mơ của Raj hiện đã có hơn 2000 người dùng trên khắp thế giới chỉ sau 3 tháng ra mắt. Mục tiêu mà Raj hướng tới là tạo công cụ cho 2 tỉ người sử dụng internet chia sẻ và học hỏi kiến thức mỗi ngày.

Raj cho biết, một trong những điều khiến ông trăn trở là sự bất bình đẳng về giáo dục, về khả năng tiếp cận với tri thức, có ở khắp nơi: Từ Ấn Độ, các nước nghèo ở Châu Á, châu Phi, và thậm chí, cả ở những nước phát triển. Ông nhận thấy, việc thiếu những “người thầy” giỏi, mới là lý do khiến những người sống ở vùng trũng giáo dục bị tụt hậu. Công nghệ, internet có thể cải thiện điều đó. Chỉ cần chiếc điện thoại có nối mạng, họ có thể học mọi thứ họ muốn, từ mọi người. Và không còn sự phân biệt giàu, nghèo, nam, nữ….

 

{keywords}
 
Raj Karamchedu
 

“24 năm ở Mỹ và sống tại nơi phát triển bậc nhất về công nghệ, đồng thời cũng là nơi tuyệt vời để học hỏi, trau dồi kiến thức - Sillicon Valley, tôi nhận ra rằng: Những thứ quan trọng nhất chúng ta học được không phải từ trường học hay sách vở. Và rằng, chắc chắn tôi không phải là người duy nhất nhận ra điều này. Con người hoàn toàn có thể tạo ra một hệ thống giáo dục biến những đúc kết, kinh nghiệm của mình thành bài học thực tế, hữu ích cho tất cả mọi người” – Raj nói.

Ý tưởng về phát triển mạng xã hội của ông ra đời từ đó. Để có tiền theo đuổi ước mơ, ông đã bán đứt ngôi nhà mua được sau hàng chục năm tích cóp ở Sillicon Valley, chuyển đến thuê một căn hộ “tối giản” với duy nhất một phòng ngủ.

Ông chia sẻ, đó là cuộc sống, là lựa chọn, là con người mình: Theo đuổi giấc mơ của mình, dù có phải mạo hiểm.

“Hơn 20 năm trước, tôi đã chọn học ngành mạng lưới nơ – ron thần kinh (neural network – một chuyên ngành thuộc lĩnh vực IT – PV), dù lúc đó, ở Ấn chưa có bất cứ cơ hội nào cho ngành này. Tôi độc hành đến Mỹ vì muốn theo đuổi ngọn nguồn kiến thức trong lĩnh vực mình đã chọn. Tôi đã từng nhiều lần thất bại trong kinh doanh, trong các ý tưởng của mình, và lại bắt đầu lại, nhưng tôi không bỏ cuộc. Và giờ cũng vậy, tôi có một giấc mơ, tôi sẽ nỗ lực 200 phần trăm để hiện thực hóa giấc mơ ấy” – Raj khẳng định.

Hạnh phúc khi tin ở chính mình

Khi bắt đầu bước vào thế giới khởi nghiệp cách đây nhiều năm, ông hoàn toàn “mù tịt” về lĩnh vực này. Trong suốt 14 tháng sau đó, ông đã trò chuyện – học hỏi bằng mọi cách.

“Tôi nói chuyện với bất kỳ ai muốn nghe. Kể cả với người đưa thư. Tôi tham gia vào một số chương trình khởi nghiệp, xin phỏng vấn vào vị trí nghiên cứu thị trường, chỉ để học xem họ làm như thế nào. Tôi cũng thuê 1, 2 nhân viên phát triển kinh doanh và thậm chí đã bị nhân viên “ôm tiền đi mất” – Raj nhớ lại.

Ông đã từng tiêu đến những đồng tiền tiết kiệm cuối cùng cho dự án khởi nghiệp đầu tiên, thất bại, sau đó tìm mọi cách để làm lại từ đầu. Người đàn ông này dường như không bao giờ nản chí.

“Một bài học rút ra vẫn theo tôi tới tận bây giờ đó là hãy luôn tự hỏi mình câu hỏi: Bạn đang giải quyết vấn đề gì cho khách hàng? Và một điều nữa mà tôi nhận ra đó là mọi người luôn sẵn sàng giúp bạn, kể cả họ không có khả năng để giúp, họ vẫn sẵn sàng lắng nghe. Đó là tất cả những gì tôi cần” - Raj nói.

Dù làm việc chính trong lĩnh vực công nghệ, Raj Karamchedu luôn tìm kiếm sự cân bằng cho mình trong văn chương, thơ ca, cảm xúc. Ông là một nhà văn, đồng thời là một dịch giả với nhiều tác phẩm đã xuất bản.

Ban ngày, ông làm việc với công nghệ, kinh doanh và marketing, đi khắp thế giới để làm kinh doanh. Nhưng mỗi tối, ngày cuối tuần và những ngày nghỉ, ông chuyển sự tập trung của mình vào việc kể chuyện, dịch thơ, viết sách, tiểu thuyết. Ông tâm sự, những điều đó giúp ông trải nghiệm cuộc sống đầy đủ hơn, cảm nhận được những sắc thái phức tạp của cuộc sống, khiến ông trưởng thành hơn.

“Tôi nghĩ, đó mới là giáo dục thực sự. Khi theo đuổi và tự mình hiện thực ý tưởng về R, tôi thấy mình tìm được cả hai cuộc sống trong cùng một mục tiêu. Tôi hạnh phúc vì điều đó. Và tôi tin rằng, mỗi chúng ta đều có thể tìm được hạnh phúc đích thực như vậy trong thế giới của mình, chỉ cần chúng ta thực sự tin ở bản thân, tin ở nghị lực của mình”.

Người sáng lập R cho rằng, các bạn trẻ hiện nay đang đứng trước rất nhiều cơ hội nắm bắt tri thức và thay đổi thế giới. Họ tự tin, và thường xuyên được truyền cảm hứng để bắt đầu những mục tiêu tốt đẹp. Tuy nhiên, cuộc sống không dễ dàng, và nhiều người có thể buông xuôi hoặc rời bỏ mục tiêu ban đầu.

“Để hoàn thành bất cứ một mục tiêu nào, hãy ghi nhớ, tất cả phụ thuộc ở sức mạnh, nghị lực bản thân bạn. Chỉ có nghị lực tự than mới giúp bạn thành công” – Raj đưa ra lời khuyên.

5 lời khuyên cho bạn trẻ để thành công trong cuộc sống.

1. Hãy hoàn thành bất cứ thứ gì mà bạn đã bắt đầu. Từ những việc đơn giản như rửa bát sau khi ăn hay đọc hết một quyển sách chứ không bỏ dở nửa chừng. Khả năng hoàn thành những gì mình đề ra là bí quyết số một trong học tập và thành công.

2. Luôn bảo vệ những người yếu hơn. Hãy trở thành tấm lá chắn đáng tin cậy cho họ. Nếu bạn làm điều này trở thành một một tính cách từ những ngày còn trẻ, sớm muộn bạn sẽ trở thành một nhà lãnh đạo ưu tú trong tương lai.

3. Khi mọi chuyện không như ý muốn làm cho bạn cảm thấy tuyệt vọng, bất lực, buồn bã, hãy nhớ rằng đó là những đáng quý trong cuộc đời bạn. Nó giúp bạn hiểu và thông cảm với nhiều người hơn. Ví dụ, khi bị đuổi việc hay mất tiền bạn sẽ thấy rất đau khổ, nhưng kể từ lúc đó trở đi bạn có thể tự tin nói rằng bạn hiểu chuyện đó tệ như thế nào. Và những người khác không thể nói với bạn rằng: “Mày không thể hiểu được cảm giác bị đuổi việc tệ như thế nào đâu”. Hiểu người khác nhiều hơn, tức là bạn cũng có thể giúp họ nhiều hơn.

4. Làm chủ tư duy là một kỹ năng cực kỳ quan trọng. Tôi nhận ra điều này tại thời điểm khá muộn trong quãng đời làm việc của mình. Tôi từng có suy nghĩ là những kỹ năng lập trình, viết code và chuyên môn là tất cả. Tất nhiên những kỹ năng đó đều quan trọng, nhưng việc làm chủ suy nghĩ còn quan trọng hơn. Mọi thứ trong cuộc sống này, từ việc dậy lúc nào, ngủ ở đâu cho tới những đồ vật trong căn phòng được bố trí thế nào, và mọi phản ứng, suy nghĩ hành động của con người đều bị ảnh hưởng rất nhiều bởi việc làm chủ suy nghĩ. Hãy học cách suy nghĩ có hệ thống và có kiểm soát, nó sẽ giúp bạn rất nhiều trong mọi khía cạnh của cuộc sống.

5. Luôn cố gắng giải thích mọi thứ bằng ngôn ngữ của chính mình. Đừng giải thích theo sách vở. Dùng chính tư duy và kinh nghiệm bản thân để giải thích các khái niệm cho người khác. Điều đó sẽ làm bạn trở nên khác biệt với những người khác một cách rất tự nhiên.

Quỳnh Anh