Dưới đây là 3 câu nói “kinh điển” mà bất cứ cha mẹ nào cũng từng nói với con nhưng chưa bao giờ nhận được kết quả như mong đợi.

Làm cha mẹ nghĩa là bạn được giữ nhiều “trọng trách” khác nhau như: bảo mẫu, quân sư, thầy/cô giáo tại gia… Vì thế mà không bao giờ bạn ngừng đưa ra các lời khuyên để uốn nắn, dạy dỗ con. Nhưng liệu có phải tất cả đều hợp lý và khiến bé thay đổi?

Nếu bạn đã từng nói với con nhiều lần một trong số những câu dưới đây, hãy xem xét lại và có sự điều chỉnh vì đó là những câu nói thể hiện sự bất lực của bạn khi làm cha mẹ.

1. “Con đừng lo lắng” hay “Đừng khóc nữa”

Khi nói như vậy nghĩa là bạn mong bé sẽ cảm thấy tốt hơn nhưng thực tế, bạn lại làm trẻ cảm thấy những cảm xúc mình không hề quan trọng. Đôi khi chúng ta cần giúp trẻ học cách đối mặt với cảm xúc thất vọng hay lo lắng hơn là lờ chúng đi.

Thay vì nói “Chẳng có con ma nào trong gầm giường của con cả” thì hãy để con biết cảm xúc đó là gì và tìm cách giải quyết. Qua những câu hỏi như “Con cần làm gì để không còn sợ hãi?” hay “Con cần làm thế nào để hết lo lắng?”, trẻ sẽ biết rằng cảm xúc là yếu tố vô cùng quan trọng trong cuộc sống và hơn nữa giúp chúng hình dung ra cách làm chủ, điều khiển cảm xúc theo hướng tích cực nhất.

2. “Đừng nhút nhát thế!”

Đã bao nhiêu lần bạn phải hỏi người lạ trong công viên hay cửa hàng để tìm cậu con trai nghịch ngợm đang trốn đâu đó? Hay đã bao giờ bạn thấy cô con gái “lắm lời” của mình bỗng dưng im bặt khi bạn của bạn hỏi thăm? Tất cả chúng ta đều chỉ có thể nói “Con nhát lắm, phải bạo dạn lên chứ!” Trong khi chúng ta đang cố gắng tỏ ra lịch sự thì vô tình quên mất rằng con trẻ có những tính cách khác nhau và không phải đứa bé nào cũng tự tin. Khi bạn nói con mình “nhát như cáy” nghĩa là chúng càng có cớ để hành động như vậy.

{keywords}

Hãy thể hiện mình là những ông bố bà mẹ thông thái qua từng câu nói với các con. (Ảnh minh họa)


Hãy ngừng chỉ trích và hướng dẫn con cách làm quen, cách chào hỏi khi gặp mọi người ở bất cứ nơi đâu. Hãy cùng chơi trò đóng vai giả làm người bán kẹo - người mua kẹo, thầy giáo - học sinh,… trẻ sẽ nhận thức nhanh hơn và biết cách ứng xử hợp lý với mọi tình huống trong cuộc sống. Nhưng bạn nên nhớ, nếu bé không muốn nói, đừng quát mắng hay nặng lời vì sẽ chỉ khiến bé tổn thương và càng thu mình lại.

3. Bất cứ câu nói nào bắt đầu bằng từ “Thấy chưa?”

Là người lớn, bạn sẽ không thích nghe “Tôi đã bảo cậu rồi mà” và trẻ con cũng vậy! Nếu bạn nói với chúng “Thấy chưa, con mà mang ô đi học thì có phải không bị ướt không?” hay “Con đã thấy chưa, không hề dễ dàng nếu con thử làm cách đó?” nghĩa là bạn đang cố gắng áp đặt quan điểm của mình với trẻ. Thay vì nói “Mẹ đã bảo rồi. Nếu con nghe mẹ thì mọi việc có phải tốt hơn không?” khiến trẻ cảm thấy áp lực phấn đấu, bạn hãy để trẻ tự trải nghiệm để có những bài học quý giá.

(Theo Trí Thức Trẻ)