{keywords}
{keywords}

Sự hình thành, phát triển hội quán của người Hoa là một quá trình lịch sử lâu dài. Hội quán người Hoa còn được gọi bằng một số tên khác như miếu, chùa, đền… Hội quán của người Hoa là nơi để thờ thần linh và sinh hoạt của cộng đồng, bang hội theo nguồn gốc sinh sống và ngành nghề với nhau.

{keywords}

Hiện nay, tại TP Hồ Chí Minh có khoảng 30 hội quán của người Hoa. Trong đó, một số được xây dựng cách đây hơn 200 năm, số khác xây dựng vào cuối thế kỷ XIX hoặc đầu thế kỷ XX và phân bố trên nhiều quận huyện của TP, nhưng phần nhiều tập trung trên địa bàn quận 5, quanh các con đường Nguyễn Trãi, Triệu Quang Phục, Châu Văn Liêm, Trần Hưng Đạo, Hải Thượng Lãn Ông như: Hội quán Hà Chương, hội quán Tuệ Thành, hội quán Nghĩa An, hội quán Quỳnh Phủ, hội quán Phước An…

Những công trình kiến trúc này được xây dựng theo phong cách truyền thống của từng nhóm ngôn ngữ, như: Minh Hương, Triều Châu, Quảng Đông, Phúc Kiến…, màu sắc thường được sơn màu đỏ. Theo quan niệm phong thủy truyền thống của cộng đồng người Hoa, màu đỏ là màu đem lại sự may mắn, hạnh phúc, thịnh vượng. Những mái ngói của hội quán được dựng thành nhiều lớp mái chồng lên nhau theo kiểu “ trùng thiềm điệp ốc”, với những hàng ngói màu xanh hay màu vàng và lợp theo kiểu âm dương.

Ở Tp. HCM hầu hết các hội quán của người Hoa đều gắn với các miếu, đền, hoặc nằm trong khuôn viên miếu, đền.

Miếu của người Hoa (người Việt quen gọi là “chùa Hoa”) thờ các vị thần bảo trợ cho cộng đồng Hoa. Phổ biến các cộng đồng Hoa ở Tp. HCM và khu vực Nam Bộ thờ các vị thần, thánh như Thiên Hậu Thánh Mẫu, Quan Công (tức Quan Thánh đế quân), Phúc đức Chính thần (ông Bổn) và một số vị thần khác, kể cả Đức Phật Bà Quan Âm.

{keywords}

Theo các nhà nghiên cứu, ngoài yếu tố mang tính “ngôi nhà chung”, một trong những nét riêng của hội quán người Hoa ở Tp. HCM là công sở của tổ chức Bang, bên cạnh một số chức năng khác.

{keywords}

Theo PGS.TS Phan An, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, giữa hội quán và các miếu đền của người Hoa có mối quan hệ khá mật thiết, tương hỗ, đáp ứng cho nhu cầu của bà con người Hoa trên cả hai phương diện vật chất lẫn tinh thần.

Các hội quán của người Hoa ở Sài Gòn trước đây, ban đầu là nơi tập hợp các cộng đồng người Hoa theo các Bang (và một số theo Hội). Hội quán có vai trò như là trụ sở làm việc của tổ chức Bang. Người đứng đầu của mỗi Bang do các thành viên trong Bang bầu chọn. Đó phải là những người có uy tín, hiểu biết, được sự tín nhiệm của các thành viên trong Bang. Ông ta phải là người có tài sản, có tài kinh doanh để đảm bảo thuận lợi cho hoạt động của Bang.

Bang trưởng được sự chuẩn y của chính quyền địa phương, là cầu nối giữa cộng đồng người Hoa với chính quyền. Trách nhiệm của Bang trưởng là giữ an ninh, trật tự trong cộng đồng người Hoa theo quy định của nhà nước, truyền đạt các mệnh lệnh, ý kiến của chính quyền đến các thành viên trong Bang. Ông cũng là người đứng ra thu các loại thuế của thành viên trong Bang để nộp lại cho chính quyền.

Bang trưởng còn có một trách nhiệm nặng nề khác là xử lý và giải quyết các tranh chấp trong nội bộ Bang và giữa các Bang với nhau, gìn giữ mối quan hệ đoàn kết, giúp đỡ, tương trợ giữa các thành viên trong và ngoài Bang. 

{keywords}
{keywords}

Kinh tế là một trong những chức năng quan trọng của các hội quán ở Trung Quốc. Hội quán là nơi gặp gỡ của các thương nhân trong cùng Bang để bàn việc doanh thương, giúp nhau tìm kiếm nguồn hàng, thị trường, phương thức mua bán hàng hóa. Hội quán của người Hoa ở Sài Gòn còn là nơi gặp gỡ giữa các thương nhân của Bang người Hoa với các thương nhân Trung Hoa đồng hương, đồng phương ngữ để giao dịch, hỗ trợ việc buôn bán.

Chức năng về mặt xã hội, với ý nghĩa là ngôi nhà chung của người trong Bang, hội quán của người Hoa ở Tp. HCM thực tế là nơi gặp gỡ, tụ hội để trao đổi, bàn bạc, chia sẻ công việc, giải quyết khúc mắc,… Hội quán còn là nơi giúp đỡ, bảo trợ những thành viên nghèo, gặp hoạn nạn trong Bang. Các hội quán đều có khoản kinh phí để làm các hoạt động từ thiện. Hội quán được người Hoa xem như một chỗ dựa quan trọng trong cuộc mưu sinh lâu dài trên đất Sài Gòn xưa.

Chức năng về mặt văn hóa, hội quán của người Hoa ở Sài Gòn – Tp. HCM luôn gắn với một cơ sở tín ngưỡng. Do nằm trong khuôn viên các miếu (còn gọi là chùa Hoa) nên những cơ sở của hội quán thường có 2 cách gọi. Ngoài tên gọi chính thức của hội quán, còn có thể gọi tên “chùa”, hoặc kết hợp cả hai. Hầu hết các Bang của người Hoa ở Sài Gòn – Chợ Lớn đã tìm cách xây dựng các trường học, bệnh viện, cơ sở luyện tập thể dục thể thao cho các thành viên trong Bang.

Nói tóm lại, hội quán người Hoa ở Việt Nam gắn liền với lịch sử di dân, định cư và hòa nhập với một môi trường mới. Hội quán đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa, liên kết cộng đồng, nơi gặp gỡ giao lưu, bàn việc làm ăn, hội quán là một thành tố quan trọng trong đời sống của người Hoa giúp họ tồn tại, phát triển, hòa nhập với đời sống xã hội sở tại mà vẫn lưu giữ được những đặc trưng của dân tộc.

Kiều Oanh
Ảnh: Bích Hạnh
Video: Kiên Trung - Trần Hảo - Thanh Sơn

25/12/2021 02:03 (GMT+07:00)