Cách Thành phố Cao Bằng khoảng 50km về phía tây nam, rừng Trần Hưng Đạo nằm dưới chân núi Sam Cao giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám thuộc núi Dền Sinh, dãy Khâu Giáng (Cao Bằng), có nhiều cổ thụ và đỉnh Slam Cao, rất tiện cho việc bố trí quan sát. Đó là nơi thuận tiện cho những người hoạt động cách mạng, nhưng bất lợi cho địch.

Tại khu rừng này, cách nay 77 năm, vào ngày 22/12/1944 đã diễn ra sự kiện thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay.

Ngày nay, khu Di tích rừng Trần Hưng Đạo phân bố trên địa bàn hai xã Tam Kim và Hoa Thám (Nguyên Bình), là trung tâm các di tích lịch sử cách mạng liên quan đến sự kiện thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, gồm 5 điểm di tích: rừng Trần Hưng Đạo; hang Thẳm Khẩu; đồn Phai Khắt; Vạ Phá, xã Tam Kim và Di tích đồn Nà Ngần, xã Hoa Thám.

Hình ảnh đầu tiên khi đến với khu rừng Trần Hưng Đạo là bức phù điêu lớn 34 chiến sỹ trong buổi lễ thành lập Đội Việt nam tuyên truyền Giải phóng quân. Bức phù điêu được sáng tác dựa trêm bức ảnh tư liệu ghi lại thời khắc thành lập đội vào ngày 22/12/1944.

Phía trên cùng bức phù điêu là hình ảnh mô phỏng những tán cây rừng biểu trưng cho đại ngàn hùng vĩ, che chở và bảo vệ cho đội quân cách mạng. Ở trung tâm bức phù điêu là hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng 34 chiến sỹ trong ngày thành lập. Phía bên trái là hình ảnh liên Tỉnh ủy Cao – Bắc – Lạng đến dự buổi lễ ngày hôm đó. Phía bên phải là hình ảnh đại diện của bà con nhân dân trong vùng đến dự”.

Từ bức phù điêu, đi khoảng 200 m đến ngã ba rẽ phải xuống 10 bậc là khu đất bằng nơi ghi dấu sự kiện thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Nơi đây vẫn còn cây sau trắng già được các chiến sỹ dùng để giương cao Lá cờ đỏ sao vàng chứng kiến sự ra đời của đội.

Tại địa điểm này, năm 1994, đã dựng một nhà Bia trung tâm với 2 tầng 8 mái. Bia có 4 mặt, cao 1,3m, rộng 0,76m, khắc toàn văn Chỉ thị thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc; 10 lời thề danh dự do đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc trong Lễ tuyên thệ (sau này trở thành lời thề danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam) và danh sách 34 chiến sĩ.

Cách nhà bia trung tâm khoảng 30m, mô phỏng lán trại cũ của Đội - hai dãy nhà xây theo kiểu nhà của người miền xuôi, bằng chất liệu bê tông cốt thép. Đối diện lán nghỉ là dãy nhà bếp ăn của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.

Cũng từ nhà bia, qua 505 bậc làn đỉnh Sam Cao, vị trí cao nhất của núi Dền Sinh. Đỉnh Sam Cao là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp lựa chọn quan sát để chuẩn bị cho trận đánh vào đồn Phai Khắt.

Từ trên đỉnh núi có thể quan sát được làng Phai Khắt, nơi có đồn Phai Khắt, từng diễn ra trận đánh đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Đồn Phai Khắt là nhà của ông Nông Văn Lạc. Năm 1944, thực dân Pháp chiếm nhà của ông để làm đồn.

Gần đó, là Bản Um, trong một thung lũng tương đối bằng phẳng, dưới chân chân đồi Slam Khẩu, phía trước có thể nhìn thấy cánh đồng Bản Um và đường vào khu di tích Rừng Trần Hưng Đạo, phía sau là đồi Slam Khẩu, đường xuống xã Thượng Ân (Ngân Sơn - Bắc Cạn) vị trí kín đáo, xa dân, có thể “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”.

Tại đây, vào tháng 2 năm 1944, Tổng bộ Việt Minh Cao Bằng đã mở lớp huấn luyện bồi dưỡng cán bộ cho toàn tỉnh do đồng chí Võ Nguyên Giáp, Lê Thiết Hùng phụ trách. Lớp huấn luyện quân sự là bước chuẩn bị về lực lượng, góp phần tích cực vào việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Hiện nay, Vạ Phá còn lại dấu tích lán trại của lớp học quân sự, có diện tích khoảng 150m2.

Với những giá trị đặc biệt của Khu di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Rừng Trần Hưng Đạo (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) là di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 09/12/2013).

Thực hiện: Vũ Điệp, Hồng Kiên, Mạnh Hùng