Ở Việt Nam, đồng bào Mông cư trú ở vùng cao, biên giới các tỉnh miền núi phía bắc từ Lạng Sơn đến Nghệ An và một số tỉnh nội địa như Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Yên Bái, Hoà Bình.

Vùng cư trú của người Mông thường là những miền núi cao, địa hình hiểm trở, vách núi dựng - đứng. Khí hậu vùng đồng bào Mông sinh sống là khí hậu cận nhiệt đới, nhiệt độ trung bình hàng năm từ 15°C đến 20°C và là nơi thiếu nước, nhất là vùng núi đá Đông Bắc (các huyện Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc).

Người Mông quần tụ trong từng bản vài chục nóc nhà. Nhà trệt, ba gian hai chái, có từ hai đến ba cửa. Gian giữa đặt bàn thờ. Nhà giàu thì tường trình, cột gỗ kê trên đá tảng hình đèn lồng hay quả bí, mái lợp ngói, sàn gác lát ván. Phổ biến nhà bưng ván hay vách nứa, mái tranh. Lương thực được cất trữ trên sàn gác. Một số nơi có nhà kho chứa lương thực ở ngay cạnh nhà. Chuồng gia súc được lát ván cao ráo, sạch sẽ.

Dân tộc Mông tin vào tín ngưỡng đa thần, coi vạn vật đều hữu linh. Họ thờ thần cây thuốc, thờ “xử cáng” (xá xần - thần nhà), thờ thần núi, thần rừng, thờ ma cửa, ma lợn….. Trên vách tường - nơi thờ đóng một tệp giấy bản có dính tiết gà. Tệp giấy bản này mỗi năm thay một lần vào chiều 30 tết hoặc sáng Mùng 1. Khi mổ gà cúng tết, người ta lấy lông gà chấm vào tiết, rồi bôi lên tệp giấy bản, sau đó bóc tệp giấy cũ ra, đóng tệp giấy mới lên vách nơi quy định để thờ.

Với những dòng họ lập bàn thờ, nếu trên bàn thờ có ba ông hương có nghĩa là thờ ba vị thần: thần thuốc (vị thần phù hộ cho lấy thuốc chữa bệnh tốt), tổ tiên và xử cáng từng gia đình không nhất thiết phải thờ đủ ba vị thần, nhưng riêng xu cáng thì gia đình nào cũng phải thờ. Trên bàn thờ nhỏ của người Mông Trắng ở Mèo Vạc, có dán ba tờ giấy bài vị. Đó là dấu hiệu họ thờ tổ tiên ba đời.

Người H’mông phân chia thành 4 nhóm: H'mông Hoa (H'mông Lềnh), H’mông Đen (H’mông Dú), H’mông Xanh (H’mông Chúa), H’mông Trắng (H’mông Đu). Tuy có 4 nhóm H’mông khác nhau, nhưng về ngôn ngữ và văn hoá cơ bản giống nhau, sự khác nhau giữa các nhóm chủ yếu là dựa trên trang phục phụ nữ.

Nguồn sống chính của họ là làm nương định canh hoặc nương du canh trồng ngô, lúa, lúa mạch. Chiếc cày của người Hmông rất nổi tiếng về độ bền cũng như tính hiệu quả. Trồng lanh, các cây ăn quả như táo, lê, đào, mận, dệt vải lanh là những hoạt động sản xuất đặc sắc.

Họ phát triển đa dạng các nghề thủ công như đan lát, rèn, làm yên cương ngựa, đồ gỗ, nhất là các đồ đựng, làm giấy bản, đồ trang sức bằng bạc phục vụ nhu cầu và thị hiếu của người dân. Các thợ thủ công Mông phần lớn là thợ bán chuyên nghiệp làm ra những sản phẩm nổi tiếng như lưỡi cày, nòng súng, các đồ đựng bằng gỗ ghép.

Các vùng người H'mông sinh sống thường có chợ phiên. Chợ phiên qui định họp 6 ngày một lần (có nơi 5 ngày một phiên). Quan hệ trao đổi hàng hoá trên cơ sở vật đổi lấy vật, dùng tiền tệ trao đổi rất ít. Chợ phiên vừa là nơi trao đổi hàng hoá, vừa là nơi gặp gỡ các tầng lớp trong xã hội. Trong đó, có một phiên chợ mang nét đặc sắc văn hóa của người H’mông, đó là “Chợ tình”, được tổ chức mỗi năm một lần.

Thực hiện: Lương Bằng, Ngọc Quý, Đức Yên

 

Ảnh 360 - Dân tộc Mông (H'Mông)

(Thực hiện: Nhóm PV)