Cho đến nay, người ta vẫn chưa biết thật tường tận nguồn gốc của người Hà Nhì. Theo truyền thuyết của người Hà Nhì, họ có nguồn gốc từ người Di, tách khỏi nhau thành bộ tộc riêng biệt, khoảng 50 đời trước. Cũng theo truyền thuyết, đã có một thời xa xưa người Hà Nhì từng có chữ viết, nhưng qua năm tháng và sự chuyển dịch, họ đã bị thất lạc chữ viết và giờ đây họ đã dùng chữ cái La Tinh làm chữ viết của dân tộc mình. Người Hà Nhì có nhiều truyện cổ, truyện thơ dài.

Do ở địa hình núi cao, mùa đông rất lạnh, người Hà Nhì sống trong nhà trình tường ấm áp. Riêng người Hà Nhì vùng Y Tý, A Lù (Lao Cai) làm tường cao 3 - 4m, mái lợp cỏ gianh rất dày, dốc, ngắn, nhà không có hiên và chỉ có một cửa ra vào. Bên trong nhà còn thêm một lần tường đất có tác dụng phòng thủ và chống rét, chống sương, mây mù lùa vào nhà. Lớp tường ngoài và lớp tường trong cách nhau chừng 1,50m, tạo nên khoảng trống gọi là hiên trong.

Cơ bản bố trí bên trong nhà ở của người Hà Nhì thường như sau: hai gian ở hai đầu hồi được ngăn thành buồng ngủ của chủ nhà và vợ chồng con trai. Khoảng 1/3 chiều rộng của hai gian giữa là phần đất, là nơi đặt bếp lò nấu cơm, nấu cám lợn, đặt chạn bát, phần còn lại dựng thành sàn, là nơi đặt bàn thờ tổ tiên, nơi ngủ của con cái, khách. Trên sàn có bếp lửa để sưởi.

Cây lương thực chính của dân tộc Hà Nhì là cây lúa. Lúa có hai loại: lúa ruộng và lúa nương.

Hà Nhì có truyền thống khẩn hoang, tạo thành những ruộng bậc thang. Đi liền với kiểu canh tác này là kỹ thuật đắp đập lấy nước, dùng trâu bò cầy kéo. Đồng bào Hà Nhì cũng rất quan tâm đến chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đàn trâu của người Hà Nhì rất phát triển, mỗi gia đình nuôi hàng chục con.

Sống hòa mình giữa thiên nhiên, người Hà Nhì tận dụng những nguyên liệu tự nhiên để chế biến thành các món ăn bổ dưỡng như món Bánh thảo qủa vị đậm đà, thơm nồng hương vị tự nhiên của núi rừng phía Bắc được dùng để ăn cùng cơm, giúp giữ ấm, rất phù hợp với thời tiết lạnh giá.

Truyền thống tín ngưỡng của người Hà Nhì gồm 3 ngày lễ lớn là Tết Ga Tho Tho vào tháng 11, Lễ Khô Già Già (lễ cầu mùa thường tổ chức vào tháng 6 âm lịch) và Lễ Gạ Ma Gio (lễ cúng thần rừng, tổ chức vào tháng Giêng âm lịch). Vào những dịp đó, người Hà Nhì thường làm nhiều món ăn truyền thống để dâng cúng thần linh, tổ tiên và thết đãi bạn bè.

Gần gũi với núi rừng, người Hà Nhì chung sống hài hòa với thiên nhiên, đoàn kết trong cộng đồng, giúp đỡ nhau ổn định cuộc sống, chung tay bảo tồn những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. 

Thực hiện: Tuyết Nhung, Vũ Phong, Trần Văn Minh

 Ảnh 360 - Dân tộc Hà Nhì

(Thực hiện: Nhóm PV)