Tại hội nghị lấy ý kiến các ủy viên Đoàn Chủ tịch, nguyên lãnh đạo MTTQ Việt Nam các thời kỳ vào dự thảo văn kiện Đại hội XIII vào sáng 5/11, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng phân tích nhiều điểm mới của văn kiện lần này, trong đó có nói về kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Theo ông Thắng, lúc này là lúc cần khơi dậy khát vọng phát triển để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

{keywords}
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng

“Muốn làm việc đó, các văn kiện trước chỉ nói là kết hợp dân tộc với sức mạnh thời đại. Nhưng lần này khơi dậy khát vọng, ý chí, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với sức mạnh thời đại”, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, khi nói về nguồn nhân lực là nói về con người, lấy con người làm trung tâm.

Mô hình tổng quát của phát triển nền kinh tế Việt Nam

Về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ông Thắng cho hay, thực tế từ Đại hội IX, lần đầu tiên nói đến kinh tế thị trường định hướng XHCN. Sau đổi mới mới bàn đến quan hệ hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế trị trường dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý nhà nước.

“Như vậy khi nói đến cơ chế thị trường chúng ta đã nhấn mạnh vận hành theo cơ chế thị trường”, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nói.

Đến đại hội XI, XII đã làm rõ đó là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đầy đủ. Có nghĩa là phải theo chuẩn mức theo một nền kinh tế thị trường mà không thể tách bạch với thế giới mà phải hội nhập. Đó là nền kinh tế thị trường hội nhập, hiện đại. Hiện đại tức là phải thích ứng với mọi sự thay đổi, trong đó thị trường Việt Nam là một phần của thị trường thế giới.

{keywords}
Chủ tịch MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc hội nghị

Như vậy Đại hội XII đã nhấn mạnh thị trường là cơ chế để huy động, phân bổ hiệu quả mọi nguồn lực. Nhà nước làm kế hoạch thì phải theo cơ chế thị trường.

“Khi đó, chúng ta khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Nhưng lần này nâng lên một tầm, chúng ta nhấn mạnh kinh tế thị trường định hướng XHCN là mô hình tổng quát của phát triển  nền kinh tế Việt Nam”, ông Thắng nhấn mạnh.

Theo đó, kinh tế thị trường phải theo quy luật thị trường, trước hết là phải tự do kinh doanh,không phân biệt đối xử; thứ hai là theo quy hoạch cung cầu; thứ ba là quy luật cạnh tranh; thứ tư là ủng hộ khởi nghiệp sáng tạo.

Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương lưu ý những điều này phải đảm bảo định hướng XHCN. Trước đây chúng ta quan điểm bảo đảm định hướng XHCN là ở phân phối, nhưng không phải, mà định hướng XHCN nằm ở mục tiêu.

“Mục tiêu lấy con người là trung tâm, thành quả của sự phát triển là của đại đa số nhân dân, của mọi người dân. Cho nên lấy nhân dân làm trung tâm là bản chất của kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam”, ông Thắng phân tích.

Ngoài ra, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cũng lưu ý tính đồng bộ giữa kinh tế và chính trị mà Nghị quyết Trung ương 5 đã thể hiện rất rõ.

Về mục tiêu đến 2021- 2025, ông Thắng cho biết đã cân nhắc rất kỹ, lần này đặt ra vượt mức thu nhập trung bình thấp.

Ông dẫn chứng, theo các phân tích đánh giá hiện nay thì lấy cách tính của Ngân hàng Thế giới, trung bình thấp là 1.035 - 4.045 USD, thu nhập trung bình, 4.046 - 12.300 USD.

Việt Nam năm nay có thể đạt 3000 đô và nền tảng như hiện nay có thể vượt được mức 4.046 USD vào năm 2025 và cố gắng phấn đấu như vậy để bước vào mức thu nhập trung bình cao.

Cần sớm sửa đổi, bổ sung chính sách đất đai

Cùng góp ý về chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung Việt Nam đề nghị chọn phương án có sửa chữa lại: “Đến năm 2025 là nước đang phát triển, có một số ngành phát triển hiện đại, vượt mức thu nhập trung bình thấp”. Nếu viết như dự thảo “theo hướng” thì chung chung, không cụ thể.

“Chúng ta cần mạnh dạn nói rằng: Một số ngành đến năm 2025 sẽ đạt trình độ hiện đại như y tế, công nghệ thông tin, du lịch… Mục tiêu “đến năm 2030 là nước phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao”; “đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao” là có tính khả thi”, ông Kim nhấn mạnh.

{keywords}
Ông Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung Việt Nam

Theo ông, nhiệm kỳ tới, cần tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó đột phá về thể chế là quan trọng nhất, là bước đi mở đường.

Ông Vũ Trọng Kim cho rằng cần sớm sửa đổi, bổ sung chính sách đất đai, như: mở rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất, tăng thêm quyền sử dụng đất cho các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư trong nước để phát huy nội lực mạnh mẽ hơn.

Cùng với đó là tuân thủ quy luật thị trường về đất đai, như quan hệ cung cầu thể hiện bằng chính sách giá cả… Mở rộng chính sách cho người nước ngoài đầu tư bất động sản, giảm bớt điều kiện ràng buộc về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở.

Về đột phá nguồn nhân lực, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung Việt Nam mong muốn cần có chính sách đầu tư đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tài năng trẻ, tín dụng cho sinh viên học tập; khởi nghiệp sáng tạo; đầu tư mạo hiểm; hỗ trợ du học; hỗ trợ gia đình trẻ lập nghiệp.

Đồng thời, phát triển nhanh Hệ Tri thức Việt số hóa – thỏa mãn nhu cầu khai thác nguồn dữ liệu lớn của quốc gia, phục vụ cho phát triển, nhất là đón đầu sự dịch chuyển sản xuất toàn cầu đang và sẽ diễn ra, góp phần cơ cấu lại nền kinh tế hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng. 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, qua 3 hội nghị đã tổ chức, có 42 ý kiến phát biểu trực tiếp và nhiều ý kiến góp ý bằng văn bản, các ý kiến góp hết sức ý thẳng thắn, nghiên cứu chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, nội dung sâu sắc. 

“Chúng tôi rất vui mừng thấy rằng: nhân dân đang rất quan tâm, theo dõi và tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; đồng thuận, đánh giá cao kết quả, thành công của các Đại hội Đảng bộ trực thuộc Trung ương vừa qua và quá trình chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, ông Mẫn nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Trần MTTQ Việt Nam, qua tổng hợp tình hình nhân dân, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng thể hiện tính khái quát cao, bố cục hợp lý, khoa học, chặt chẽ, đầy đủ, rõ ràng, sâu sắc, phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân và quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.

Bên cạnh đó, văn kiện có nhiều điểm mới, đó là đòi hỏi khách quan, đồng thời kế thừa từ các nhiệm kỳ trước và chọn lọc tiếp thu những kinh nghiệm thành công của các nước trong khu vực và thế giới. 

Dự thảo Văn kiện khẳng định: dân chủ trong Đảng là nòng cốt, dân chủ phải là kỷ cương, kỷ luật của Đảng; “thể chế" được đề cập xuyên suốt trong toàn bộ các dự thảo văn kiện. Như vậy đoàn kết, dân chủ, kỷ cương và sáng tạo, là những tiền đề, nhân tố quan trọng cho sự phát triển của đất nước...

Thu Hằng

Bầu 63 Bí thư Tỉnh ủy: Chất lượng nhân sự được nâng lên rõ rệt

Bầu 63 Bí thư Tỉnh ủy: Chất lượng nhân sự được nâng lên rõ rệt

Kết quả bầu cử cơ bản tập trung, bầu đúng, bầu đủ, bầu trúng theo đề án nhân sự. Tỉ lệ phiếu bầu trúng cử chức danh chủ chốt của 63 tỉnh ủy rất cao.