Ngày 8/1, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tối cao (Hà Nội), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tới dự Lễ khánh thành Trung tâm Tư liệu - Thư viện, Trung tâm Giám sát và Điều hành, Phần mềm trợ lý ảo cho thẩm phán, Nền tảng xét xử trực tuyến tòa án nhân dân. Đây là 1 trong 4 công nghệ mới ứng dụng trong Toà án nhân dân.

{keywords}
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Mai Đỉnh)

Chủ tịch Quốc hội cũng nghe giới thiệu về hệ thống giám sát và điều hành hoạt động Tòa án nhân dân; trải nghiệm phần mềm “Trợ lý ảo” cho Thẩm phán; theo dõi phiên tòa xét xử trực tuyến. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc mừng Tòa án nhân dân tối cao có thêm những công trình nền tảng công nghệ số, đánh dấu một bước tiến lớn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hỗ trợ hoạt động Tòa án các cấp.

Hệ thống phần mềm Trợ lý ảo được phát triển bởi Viettel nhằm mục tiêu thực hiện số hóa các tri thức, kinh nghiệm xử án của các thế hệ Thẩm phán giỏi, giàu kinh nghiệm; tạo ra Thư ký ảo làm việc trực tuyến 24/7 để hỗ trợ cho Thẩm phán trong quá trình nghiên cứu, phân tích, giải quyết vụ án; bảo đảm ứng dụng đúng, thống nhất pháp luật; hỗ trợ cán bộ hành chính tư pháp Tòa án tiếp nhận và xử lý các loại đơn tư pháp; cung cấp dịch vụ chỉ dẫn pháp luật và đoán định tư pháp cho người dân.

Hiện, 100 thẩm phán, chuyên gia đã được huy động tham gia dự án. Họ cũng là những người thẩm định, xem xét nội dung nào được số hóa, nạp vào phần mềm. Các thẩm phán cả nước có thể phản hồi, chấm điểm, đưa ra các tình huống cho "trợ lý ảo" để dự án ngày càng hoàn thiện và "thông minh hơn".

{keywords}
Chuyên gia Trần Mạnh Quân thay mặt nhóm phát triển sản phẩm phần mềm trợ lý ảo của Trung tâm Không gian mạng Viettel thuộc Tập đoàn Viettel giới thiệu về phần mềm trợ lý ảo cho Thẩm phán

Trong tương lai, "trợ lý ảo" được kỳ vọng có khả năng "Hỗ trợ đoán định tư pháp". Người dùng lúc này chỉ cần nạp dữ liệu về hành vi, tình huống pháp lý... để hệ thống đoán định ra các tội danh hình sự hoặc thuộc tranh chấp dân sự phù hợp. Ngoài thẩm phán, người dân cũng có thể tham khảo kết quả này để quyết định có khởi kiện ra tòa hay chọn hình thức khác như hòa giải, nhờ trọng tài.

Theo Viettel, việc nghiên cứu, xây dựng hệ thống Trợ lý ảo được chia làm ba giai đoạn: Giai đoạn 1: Năm 2021, Trợ lý ảo được xây dựng phù hợp với tính chất, đặc thù của toà án, hoàn thiện phần cơ sở dữ liệu pháp luật theo hướng đến các bộ luật để xây dựng, hình thành kênh tri thức, đáp ứng nhu cầu về tra cứu thông tin như: chỉ dẫn pháp luật, tra cứu văn bản pháp luật, hỏi đáp về án lệ…

Giải đoạn 2 thực hiện trong năm 2022 sẽ tiếp tục hoàn thiện, bổ sung tri thức, huấn luyện Trợ lý ảo, đưa ra cả hướng dẫn pháp luật cho các tình huống pháp lý cụ thể, hỗ trợ thẩm phán lập kế hoạch xét xử vụ án và xây dựng sơ đồ tư duy để giải quyết từng loại vụ án, hỗ trợ cán bộ hành chính tư pháp, tiếp nhận, phân loại, xử lý hồ sơ trực tuyến…

Giai đoạn 3, từ năm 2023 đến 2030, Trợ lý ảo sẽ được phát triển tính năng tự động phân tích, giám định thư pháp dựa vào thông tin của vụ án. Theo đó, căn cứ từ giai đoạn tố tụng, hệ thống đưa ra các cảnh báo, nhắc việc, hỗ trợ Thẩm phán xây dựng các văn bản tố tụng; tập hợp, quản lý hồ sơ các vụ án điện tử.

Các sản phẩm công nghệ thông tin của Viettel một lần nữa nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của Toà án Nhân dân Tối cao. Đây là động lực to lớn để Công nghệ của Viettel được lan rộng vào các Tổ chức, Cơ quan, Chính quyền, thực hiện sứ mệnh “Tiên phong kiến tạo xã hội số”.

Xuân Thạch