Viettel tăng tốc phát triển 5G

Nhiều chuyên gia công nghệ nhấn mạnh, mạng 5G ra đời không phải để phục vụ nhu cầu kết nối Internet của con người. Công nghệ 4G hiện hữu hoàn toàn đáp ứng tất cả nhu cầu kết nối thường ngày, từ làm việc từ xa cho tới giải trí trực tuyến. Chính vì vậy, việc phát triển mạng 5G cũng không nhằm đáp ứng những nhu cầu thông thường của người dùng.

{keywords}
 

5G là công cụ để thúc đẩy chuyển đổi số nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Cùng với đó là hàng nghìn tỷ USD mà kinh tế toàn cầu có thể được hưởng từ chuyển đổi số thông qua kết nối mạng thế hệ thứ 5. Chất lượng sống của con người vì thế cũng sẽ được nâng cao.

5G còn được kỳ vọng tạo ra các ngành công nghiệp hoặc dịch vụ mới, mang lại những tác động tích cực tới việc làm và kinh tế toàn cầu. Hiện tại, 5G được xác định là “chìa khóa” mở cánh cửa tương lai, công nghệ mà mọi quốc gia đều phải tận dụng để không bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Việt Nam nhận thức rõ điều này. Ngay từ cuối năm 2019, Tập đoàn Viettel đã làm chủ công nghệ 5G, đưa nhà mạng này vào danh sách công ty làm chủ các thiết bị mạng cho công nghệ kết nối thế hệ thứ 5 tương tự như Ericsson, Nokia, Huawei, Samsung và ZTE.

Tháng 12/2020, Viettel tiến hành thử nghiệm thương mại mạng di động 5G tại Hà Nội. Thời điểm đó, mạng 5G được cung cấp tại 3 quận trung tâm gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng. 15% trong số 100 trạm thu phát sóng 5G trong đợt thử nghiệm này do chính Viettel sản xuất. Sau đó, mạng 5G tiếp tục được thử nghiệm tại nhiều địa phương trên cả nước.

{keywords}
 

Theo thông tin từ Tổng Công ty Viễn thông Viettel, hạ tầng 5G Viettel hiện đã sẵn sàng ở 13 tỉnh/thành phố, trong đó 7 tỉnh đã chính thức phát sóng cung cấp cho khách hàng (cụ thể: Hà Nội, TP.HCM, Huế, Bình Phước, Bắc Giang, Bắc Ninh, TP. Thủ Đức). Theo kế hoạch, Viettel sẽ sớm mở rộng vùng phủ sóng 5G ra phạm vi 15 tỉnh/thành phố.

“Mạng 5G không còn là viễn thông nữa mà là hạ tầng số cho nhà máy được tự động hoá, xe tự lái cũng như nhiều ứng dụng 4.0 với kết nối IoT… Cũng vì thế, các tỉnh, thành phố với các nhà máy hoặc khu công nghiệp hiện đại sẽ không thể thiếu 5G. Đó là lý do Viettel cố gắng phủ sóng nhanh và mạnh ở nhiều địa phương để đón đầu các nhu cầu về hạ tầng số mới này”, đại diện Viettel nhấn mạnh.

Cùng với sự phổ biến ngày càng lớn của mạng 5G, Viettel cũng liên tục bổ sung những thiết bị có thể truy cập được vào kết nối này. Trong tháng 4/2021, tất cả dòng iPhone có kết nối 5G đều có thể truy cập mạng 5G của Viettel tại những khu vực đang được kinh doanh thử nghiệm.

Tuy nhiên, vượt xa khả năng kết nối của những chiếc điện thoại thông minh, đối tượng 5G Viettel xác định phục vụ là những thiết bị Internet vạn vật (IoT) hay kết nối dịch vụ số. Cùng với đó, robot hóa, tự động hóa cũng sẽ hiện diện nhiều hơn trong cuộc sống của người Việt Nam.

Gom những “đốm lửa” nhỏ để bùng cháy

Theo đại diện Viettel, để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số của Việt Nam, tập đoàn sẽ sớm triển khai 5G trên toàn quốc và thêm một lớp mạng kết nối vạn vật vào mạng 4G hiện có. Việc kết nối này sẽ đảm bảo phát triển những công nghệ mới, trong đó có xe tự lái hay những nhà máy thông minh, vận hành với sự can thiệp tối thiểu của con người.

{keywords}
 

Thời gian qua, chủ đề về tự động hóa, robot hóa ở Việt Nam được bàn luận nhiều nhưng thực tế, số lượng sản phẩm không nhiều, chỉ là những “đốm lửa nhỏ”. Đứng đơn lẻ, những đốm lửa này khó có thể tạo ra những thay đổi sâu rộng, tạo ra được hệ sinh thái có thể trở thành giải pháp mà thị trường chấp nhận. Đó cũng là lý do những phòng lab “triệu đô” của Viettel ra đời.

Ngày 23/8/2021, Tập đoàn Viettel đưa vào vận hành Viettel Innovation Lab - phòng thí nghiệm về các công nghệ 4.0 hoàn chỉnh và hiện đại bậc nhất Đông Nam Á, được đặt tại Hà Nội và TP.HCM. Với việc ra mắt Viettel Innovation lab, Viettel trở thành nhà cung cấp viễn thông thứ 23 trên thế giới triển khai đồng thời cả mạng lưới và lab về 5G, IoT.

Đại diện Viettel cho biết, Viettel Innovation Lab có đầy đủ thiết bị đáp ứng các công nghệ 4.0 như 5G, IoT, Cloud, Big Data, AI. Nhiều thiết bị hiện chỉ có duy nhất ở Viettel Innovation Lab như các bộ kit để phát triển ứng dụng robotics tích hợp 5G và AI, ứng dụng bay drone 5G với khả năng học sâu (deep learning), bộ kit để phát triển box AI tính toán tại biên…

Viettel Innovation Lab cũng được đầu tư nền tảng trí thông minh nhân tạo (AI) do Viettel tự phát triển; nền tảng phân tích dữ liệu lớn (Big Data); hạ tầng điện toán đám mây (Cloud Computing)…

{keywords}
 

Điều quan trọng là các phòng lab của Viettel đều miễn phí. Các cá nhân hoặc công ty khởi nghiệp có thể sử dụng các tiện ích tại các phòng lab này, miễn là ý tượng của họ được đánh giá là thú vị và có khả năng đưa vào thực tiễn, giải những bài toán hóc búa đang tồn tại với giải pháp mới từ các công nghệ như AI, IoT, Cloud và Big Data.

Hỗ trợ startup giải quyết những vấn đề lớn, nhất là kinh nghiệm, công nghệ và cả nguồn vốn; Viettel “mở cánh cửa” để cộng đồng khởi nghiệp Việt làm chủ 5G, công nghệ của tương lai. Bình dân hóa một công nghệ tối tân cũng là cách nhanh để đưa những ứng dụng vượt trội của nó vào với đời sống, từ đó tạo ra giá trị cho xã hội.

Viettel Innovation Lab được kỳ vọng trở thành nơi ươm mầm và nuôi dưỡng các ý tưởng về công nghệ mới, kết nối cộng đồng, cộng hưởng xây dựng hệ sinh thái ứng dụng công nghệ 4.0, thúc đẩy chuyển đổi số ở Việt Nam. Ngoài ra, với những công nghệ hiện đại, các phòng lab trở thành cầu nối của giới công nghệ trong và ngoài nước để cùng chia sẻ tri thức và hợp tác về lĩnh vực công nghệ 4.0, qua đó hình thành nguồn nhân lực công nghệ xuất sắc cho đất nước.

Thế Định