Gọi điện nì nèo người chuyển mạng vì bị ép chỉ tiêu

Tránh tụt giảm thuê bao, giữ kho số đẹp, không muốn hao tổn doanh thu, đó chỉ là một trong vô vàn những lý do dẫn đến việc các nhà mạng đang tìm mọi cách để giữ chân khách hàng.

Thế nhưng, điều này chỉ diễn ra sau ngày 16/11, thời điểm mà Bộ TT&TT buộc các nhà mạng phải cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số. Thực tế này cho thấy sự đúng đắn của Bộ TT&TT khi cương quyết triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ số, nhằm tạo sự cạnh tranh giữa các nhà mạng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường viễn thông.

{keywords}
Dù dịch vụ chuyển mạng giữ số đã chính thức áp dụng cho thuê bao di động trả trước và trả sau của 4 nhà mạng Viettel, MobiFone, VinaPhone và Vietnamobile từ 1/1/2019, tuy nhiên, không dễ để có thể đăng ký thành công dịch vụ này. Ảnh: Trọng Đạt

Theo tìm hiểu của Pv. VietNamNet, nhiều doanh nghiệp viễn thông đã ép chỉ tiêu nhân viên nhằm giữ chân khách hàng trước sức ép của việc triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số. Chính vì vậy, không ít người dùng gặp phải những phiền phức khi muốn đăng ký dịch vụ này.

Anh Đức Mạnh (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, kể từ khi đăng ký dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số, anh liên tục bị làm phiền bởi các nhân viên chăm sóc khách hàng của nhà mạng chuyển đi.

“Ban đầu, tôi cảm thấy khá thoải mái khi nhận được sự quan tâm từ phía nhà mạng. Tuy nhiên, khi việc chuyển mạng mãi không thành công do bị từ chối bởi những lý do không rõ ràng của nhà mạng chuyển đi, cảm xúc này chuyển sang sự ức chế”, anh Mạnh cho biết.

{keywords}
Nhiều người dùng cảm thấy phiền phức, khó chịu trước sự ân cần quá mức của nhân viên chăm sóc khách hàng đến từ các nhà mạng. 

Tương tự như anh Mạnh, anh Khôi một người dùng trả sau ở Đống Đa (Hà Nội) cũng cảm thấy khốn khổ vì sự phiền hà của đội ngũ chăm sóc khách hàng.

Theo anh Khôi, các cuộc gọi này thường đến ngay sau mỗi lần anh gửi yêu cầu tới trung tâm chuyển mạng. Lúc đầu, nhân viên nhà mạng thể hiện sự quan tâm tới vấn đề của khách hàng và mời gọi tham gia các chương trình khuyến mại. Sau khi thuyết phục không thành công, họ chuyển sang năn nỉ khách hàng đừng chuyển sang nhà mạng mới.

Anh Khôi cũng cho biết, anh từng suýt cãi nhau với nhân viên nhà mạng chỉ vì họ cứ năn nỉ ở lại trong khi vấn đề anh cần là chuyển mạng lại giải quyết không xong. Đây cũng là cảm xúc chung của phần lớn người dùng muốn đăng ký tham gia dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số.

Tham khuyến mãi, người dùng bị trói chân 24 tháng

Bên cạnh việc dùng người để thuyết phục, các nhà mạng còn sử dụng chính sách đưa thời gian cam kết vào các gói dịch vụ giá trị gia tăng. Đây là điều ít khi xuất hiện ở các gói dịch vụ được đăng ký trước thời điểm ngày 16/11/2018.

Theo đó, nhiều thuê bao di động phản ánh, những ngày cuối năm 2018, họ nhận được tin nhắn chúc mừng năm mới của nhà mạng cùng số tiền tặng kèm là 20.000 đồng. Nội dung tin nhắn cho biết, để nhận được số tiền này, người dùng cần soạn tin nhắn theo cú pháp CK12 gửi 999.

{keywords}
Do ham khuyến mại và không đọc kỹ thông tin, nhiều người dùng cho biết họ vô tình cam kết sử dụng 12 tháng dịch vụ với nhà mạng. Đây là lý do khiến nhiều người không thể đăng ký dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số. Ảnh: Trọng Đạt

Do không để ý tới thời hạn cam kết sử dụng của dịch vụ, nhiều người dùng trót đăng ký gói CK12 đã bị từ chối khi đăng ký chuyển mạng giữ số. Tìm hiểu kỹ, họ mới ngã ngửa khi biết rằng, thuê bao của mình sẽ không được chuyển mạng trong 12 tháng do dính phải thời gian cam kết với nhà mạng.

{keywords}
Để giữ chân thuê bao, một số nhà mạng bắt đầu sử dụng chính sách đưa thời gian cam kết vào các gói dịch vụ giá trị gia tăng. Nếu không để ý kỹ, người dùng sẽ bị trói buộc vào các cam kết với thời gian rất dài. Ảnh: Trọng Đạt

Cùng tình cảnh này là những thuê bao đăng ký gói C90N của một nhà mạng lớn tại Việt Nam. Theo đó, nếu không đọc kỹ nội dung tin nhắn gia hạn dịch vụ, người dùng có thể bị trói chân với thời gian cam kết lên tới 24 tháng. 

Hai trường hợp trên chính là nguyên nhân chính dẫn tới việc nhiều thuê bao trả trước bị từ chối khi đăng ký dịch vụ chuyển mạng giữ số. Do vậy, để không rơi vào cảnh bị động, người dùng cần đọc kỹ tất cả các tin nhắn được gửi tới từ nhà mạng. Bên cạnh đó, người dùng không nên đăng ký bất kỳ dịch vụ giá trị gia tăng nào khi không thực sự hiểu rõ các điều khoản kèm theo.

Chuyển mạng viễn thông di động mặt đất giữ nguyên số là dịch vụ cho phép thuê bao di động chuyển đổi doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong khi vẫn giữ được số điện thoại (bao gồm cả mã mạng và số thuê bao).

Dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số được Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) và 3 nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone triển khai từ 15/11/2018. 

Bắt đầu từ 1/1/2019, dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số đã áp dụng với tất cả các thuê bao  của Viettel, VinaPhone, MobiFone, bao gồm cả thuê bao trả sau và thuê bao trả trước. 

Trọng Đạt