Thông báo trên được chính phủ Malaysia đưa ra ngày 1/7 nhằm mục tiêu cung cấp kết nối 5G vào cuối năm nay và phủ sóng 80% dân số vào năm 2024.

Đầu tiên, các dịch vụ 5G sẽ được triển khai ở thủ đô Kuala Lumpur và thành phố Putrajaya cũng như trung tâm đa phương tiện Cyberjaya trong năm 2021.

{keywords}
Malaysia đã trao cho Ericsson của Thụy Điển hợp đồng trị giá 2,6 tỷ USD để thiết kế và xây dựng mạng viễn thông 5G

Hãng truyền thông địa phương The Edge đưa tin vào tháng 4 rằng, Digital Nasional - một tổ chức thuộc Bộ Tài chính Malaysia chịu trách nhiệm sở hữu và vận hành mạng 5G đã mời 8 nhà cung cấp thiết bị viễn thông trên thế giới tham gia đấu thầu, bao gồm: Ericsson, Huawei, ZTE, Cisco, NEC, Nokia, Samsung và FiberHome.

Malaysia được biết đến là quốc gia không có ác cảm với Huawei giống như Mỹ và một số quốc gia phương Tây khác, vốn đã ngăn cản họ đấu thầu các hợp đồng của chính phủ và đặc biệt là các dự án 5G do lo ngại về an ninh quốc gia và liên kết với chính quyền Bắc Kinh. Vào tháng 2, Malaysia đã quyết định hợp tác với Huawei để thành lập một phòng thí nghiệm về an ninh mạng.

Trước đó vào tháng 10/2019, Huawei đã được chỉ định là nhà cung cấp phần cứng 5G cho Maxis, nhà cung cấp dịch vụ di động lớn nhất Malaysia theo số lượng thuê bao. Theo thỏa thuận, công ty Trung Quốc sẽ cung cấp thiết bị, dịch vụ và kỹ thuật cho mạng 5G của Maxis.

Nhưng thỏa thuận giữa Maxis và Huawei được thực hiện dựa trên giả định rằng việc phân bổ phổ tần 5G sẽ được giao cho các công ty viễn thông riêng lẻ và việc lựa chọn nhà cung cấp phần cứng sẽ tùy thuộc vào chủ sở hữu phổ tần tương ứng. Tuy nhiên, sau đó chính phủ của Thủ tướng Muhyiddin Yassin đã hủy bỏ phương án phân bổ truyền thống bằng cách lập ra Digital Nasional để sở hữu các tài sản và phổ tần 5G.

Đây được xem là một quyết định bất ngờ của chính phủ Malaysia. Vì trước đó Bộ trưởng Truyền thông của nước này – ông Gobind Singh Deo cho rằng, Malaysia nhận thức được những lo ngại đã được đưa ra về Huawei của các nước trên thế giới, nhưng điều đó đã được giải quyết bằng việc đưa ra các tiêu chuẩn bảo mật của chính mình trong việc lựa chọn đối tác để triển khai mạng 5G trên toàn quốc.

Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 2/2020 với Reuters, ông Gobind Singh Deo nói: “Quan điểm của tôi rất rõ ràng. Chúng tôi có các tiêu chuẩn an toàn của riêng mình, chúng tôi có các yêu cầu an toàn riêng. Vì vậy, bất cứ đối tác nào giao dịch hay đưa ra các đề xuất với chúng tôi, chúng tôi phải chắc chắn rằng họ đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn bảo mật mà chúng tôi đưa ra”.

Trheo một tuyên bố đưa ra ngày 1/7 của Digital Nasional, Ericsson sẽ phụ trách thiết kế và phát triển mạng 5G của Malaysia. Ericsson cũng cam kết thực hiện các thỏa thuận để tài trợ cho việc cung cấp, phân phối và quản lý toàn bộ mạng 5G.

Thương vụ trị giá 2,6 tỷ USD bao gồm cho thuê trạm gốc 5G và cho thuê cáp quang, hơn 60% trong số đó sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nhân địa phương trong 10 năm tới, Digital Nasional cho biết.

Ericsson cũng tham gia vào các hoạt động tạo ra giá trị tại Malaysia, thông qua việc xây dựng kiến thức và chuyển giao công nghệ. Những nỗ lực này ước tính khoảng 4 tỷ ringgit (945 triệu USD) trong thời hạn hợp đồng.

Ông Borje Ekholm, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Ericsson cho biết: “Tốc độ kết nối nhanh hơn, độ trễ cực thấp và băng thông lớn hơn của 5G cho băng rộng di động sẽ cho phép Malaysia nhanh chóng thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số”.

Ericsson hiện đang triển khai 86 mạng 5G ở nhiều quốc gia trên thế giới và đã tham gia vào thị trường viễn thông Malaysia từ năm 1965.

Phan Văn Hòa (theo Nikkei, Reuters)

Thụy Điển giữ nguyên lệnh cấm Huawei

Thụy Điển giữ nguyên lệnh cấm Huawei

Ngày 22/6, Tòa án Thụy Điển đã ra phán quyết duy trì lệnh cấm Huawei bán thiết bị 5G tại nước này, làm tan biến hy vọng của công ty Trung Quốc về việc trở lại châu Âu.