Cuối tuần trước, Facebook đã quyết định tạm dừng chính sách bắt người dùng phải sử dụng tên thật khi đăng ký tài khoản mà mạng xã hội này đang áp dụng, sau khi vấp phải sự phản đối từ rất nhiều tổ chức, cộng đồng mạng...

Một liên minh Vô danh (Nameless Coalition), bao gồm 75 tổ chức nhân quyền, quyền số hóa, ủng hộ người đồng tính và quyền phụ nữ, giới truyền thông và hoạt động xã hội... đến từ nhiều nước, đã chắp bút viết một bức thư ngỏ (PDF) gửi tới Facebook vào ngày 5/10 vừa qua, lý giải vì sao chính sách này đang sụp đổ và Facebook có thể hạn chế hậu quả bằng cách nào.

{keywords}

Trong thư cũng có đề cập đến nhiều câu chuyện, chứng minh người dùng Facebook đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi chính sách tên thật ra sao.

Facebook đã cưỡng ép một người dùng có tên Lily phải tuân thủ chính sách tên thật vào tháng 12/2014, buộc cô này phải sử dụng tên thật của mình để đăng ký. Chỉ hai tuần sau, một gã đàn ông từng đánh và lạm dụng tình dục Lily từ cách đây 20 năm đã gửi thư riêng cho cô. "Máu tôi đông cứng lạnh, mồ hôi túa ra, tim ngừng đập khi mở tin nhắn đó", Lily viết.

Tại Mỹ, Dana Lone Hill, một phụ nữ gốc da đỏ đã bị khóa tài khoản và nhiều lần bị từ chối kích hoạt lại dù đã nhập nhiều ID, thẻ thư viện và cả đoạn thư chứng minh mình có tên Lakota cho Facebook. Như một người dùng gốc da đỏ khác đã chỉ ra, "Tôi nghĩ Facebook không biết tí gì về người Mỹ Da đỏ hoặc về tên họ của họ cả".

 Facebook cuối cùng cũng lên tiếng. Alex Schultz, Phó Chủ tịch phụ trách Tăng trưởng và quốc tế hóa của Facebook, đã công bố một lá thư giải đáp các chỉ trích nói trên, cũng như về những gợi ý mà Liên minh Vô danh nêu ra. Schultz nói rằng ê kip Facebook hiện đang nghiên cứu 2 điều chỉnh dưới đây và dự kiến sẽ thử nghiệm chúng vào tháng 12 tới:

- Giảm bớt diện người dùng bị yêu cầu phải xác thực tên trên Facebook, khi mà họ đã sử dụng tên gọi được nhiều người quen thuộc.

- Cơ chế xác thực tên dễ dàng hơn, nếu cần thiết.

Tuy nhiên, một vấn đề nữa cũng gây nhiều tranh cãi là Facebook không đưa ra được các thông tin chi tiết về mặt kỹ thuật, hoặc những tài liệu về quy trình đăng ký thông tin danh tính của người dùng, bao gồm việc chúng được lưu trữ ở đâu, như thế nào, trong bao lâu, ai có quyền truy cập vào đọc.

Liên minh Vô danh đã yêu cầu Facebook phải cho phép người dùng kê khai thông tin sử dụng PGP hoặc một hình thức kết nối mã hóa phổ biến tương tự, để thông tin danh tính của họ có thể được bảo vệ trong suốt quá trình đăng ký.

Liên quan đến lời phàn nàn này, bà Schultz cho biết, từ giờ trở đi, các danh tính (ID) gửi về Facebook trong quá trình xác thực sẽ được mã hóa khi chúng được lưu trữ tạm thời trong máy chủ của hãng. Hơn thế nữa, khả năng giải mã ID đó của Facebook sẽ hết hạn sau 30 ngày, và ID này sẽ được xóa ngay sau đó.

Bên cạnh đó, Facebook cũng sẽ có những thay đổi khác, như việc yêu cầu người dùng phải cung cấp thêm thông tin giải thích vì sao họ lại report (báo cáo) một profile (trang cá nhân) nào đó. Hiện tại, bất cứ người dùng Facebook nào cũng có thể gửi báo cáo, "tố" một người dùng khác đang vi phạm chính sách tên thật. Nhiều người đã lạm dụng hành vi này, gửi report bừa bãi những người mình ghét, đối thủ....vì không phải gửi kèm bất cứ bằng chứng gì để hậu thuẫn cho cáo buộc mà họ đưa ra.

Như Liên minh Vô danh đã chỉ ra, những kẻ lạm dụng có thể "gửi bao nhiêu báo cáo tùy thích, nhanh bao lâu tùy thích, nhắm vào bao nhiêu mục tiêu tùy thích". Tình trạng này xảy ra nhiều ở khu vực Nam và Đông Nam Á, Trung Đông.

Đây là những thay đổi đáng kể, nhưng đừng hiểu nhầm, Facebook sẽ không loại bỏ chính sách tên thật. Mạng này sẽ vẫn yêu cầu người dùng phải sử dụng tên gọi mà bạn bè và gia đình vẫn quen gọi họ. Facebook không hề có dự định thay đổi quy định này và vẫn tin rằng, chính sách đó sẽ giúp môi trường Facebook an toàn hơn. Bà Schultz cho biết sau khi xem xét lại các báo cáo hồi đầu năm, Facebook nhận thấy tình trạng bắt nạt, sỉ nhục hoặc lạm dụng trên mạng có nguy cơ xảy ra cao gấp 8 lần khi người đó sử dụng tên gọi khác, thay vì tên thật.

"Tất nhiên, Facebook hoàn toàn nhận thức rõ rằng quy trình hiện tại không phù hợp với tất cả mọi người", Schultz thừa nhận. Việc cân bằng các bài toán là rất khó, nhưng hãng đang "đầu tư nghiêm túc để cải thiện tình hình".

T.Y