Tại Diễn đàn Quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, ông Trương Quốc Hùng - TGĐ công ty VinBrain (Tập đoàn Vingroup) đã chia sẻ một câu chuyện vô cùng ấn tượng. 

Theo ông Hùng, khoảng 4,7 tỷ người trên thế giới hiện thiếu điều kiện tiếp cận với việc chẩn đoán hình ảnh. Với những người may mắn được chẩn đoán hình ảnh, có tới 12 triệu trường hợp bị chẩn đoán sai mỗi năm chỉ tính riêng tại Mỹ. 

Không chỉ trên thế giới, qua thực tế trải nghiệm, ông Hùng cũng cảm nhận rõ sự quá tải của hệ thống y tế ngay ở tại Việt Nam. Điều này đã thôi thúc một nhà khoa học như ông phải hành động để giải nỗi đau này cho xã hội. Và theo TGĐ VinBrain, công nghệ AI có thể giải quyết được bài toán đó. 

{keywords}
ông Trương Quốc Hùng - TGĐ công ty VinBrain (Tập đoàn Vingroup). Ảnh: Trọng Đạt

Ông Hùng cho rằng, với dân số lên tới gần 100 triệu người, trong đó có nhiều bác sĩ giỏi và nhân tài trong lĩnh vực CNTT, Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng để giải quyết bài toán AI trong lĩnh vực Y tế. 

Do vậy, công ty VinBrain đang ấp ủ tham vọng tạo ra một hệ thống AI cho y tế thế giới bằng khả năng của các kỹ sư công nghệ Việt Nam. Đó phải là một hệ thống có thể đưa ra khuyến nghị và tiên lượng thông minh cho phép các bác sĩ ít trẻ có thể làm tốt như các bác sĩ đã có 25-30 năm kinh nghiệm. Đây cũng sẽ là công cụ đắc lực giúp việc cho việc chuyển đổi số ngành y tế. 

Thực tế cho thấy, VinBrain đã làm được điều đó với việc cho ra đời DrAid - sản phẩm AI đầu tiên tiên trong lĩnh vực y tế của người Việt. Kể từ thời điểm ra mắt hồi giữa tháng 6, DrAid chẩn đoán V1 đã được hơn 350 bác sĩ sử dụng với hơn 100.000 hình ảnh y tế được tải lên mỗi tháng. 

Đóng góp vào nền tảng này là một đội ngũ gồm 95% tiến sĩ và thạc sĩ trong và ngoài nước. Trong đó, có nhiều người đang làm việc tại những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Microsoft, Google, Amazon, Adobe.

Theo ông Trương Quốc Hùng, để người Việt có thể tạo ra những nền tảng AI hàng đầu thế giới về y tế, chúng ta cần có một ước mơ, tầm nhìn lớn hơn. 

Chúng ta cũng cần kết nối được các doanh nghiệp Việt Nam với những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Ngoài ra, các nhà khoa học rất cần sự hậu thuẫn từ phía chính phủ và sự cởi mở của người dân đối với các sản phẩm Make in Vietnam.

Trọng Đạt