Khi đề cập đến sức mạnh tính toán của một siêu máy tính, người ta thường đề cập đến khái niệm “Exascale computing”. Exascale computing là khái niệm nói về khả năng xử lý ít nhất 1 exaFLOPS của hệ thống máy tính, tức là 1 tỷ tỷ phép tính mỗi giây.

{keywords}
Trung Quốc bí mật sở hữu hai siêu máy tính mạnh nhất thế giới?

Theo một báo cáo mới đây cho biết, nhiều tổ chức siêu máy tính ở Trung Quốc đã chế tạo những siêu máy tính có sức mạnh tính toán phá vỡ rào cản exascale, mang tính bước ngoặt trong quá trình thử nghiệm kín.

Nguồn tin từ Next Platform cho biết, một siêu máy tính đầu tiên của Trung Quốc đặt tại Trung tâm Siêu máy tính quốc gia ở Vô Tích có tên là Sunway Oceanlite, siêu máy tính này có khả năng đạt được hiệu suất cao nhất lên tới 1,3 exaFLOPS (tương đương 1,3 tỷ tỷ phép tính một giây).

Trong khi đó, một siêu máy tính khác có tên là Tianhe-3, được đặt tại Trung tâm Siêu máy tính quốc gia ở Quảng Châu, Trung Quốc. Siêu máy tính này được cho là có hiệu suất xử lý tương đương với siêu máy tính Sunway Oceanlite.

Mặc dù có rất ít thông tin về kiến trúc của siêu máy tính Sunway Oceanlite, nhưng siêu máy tính Tianhe-3 được biết đến là dựa trên kiến trúc của siêu máy tính Tianhe-2A ra mắt vào năm 2015. Để đạt được hiệu suất trên 1 ExaFLOPS, các nhà phát triển đã phải tăng số lượng bộ xử lý và bộ gia tốc, có thể liên quan đến việc tạo ra tấm silicon mới với nhiều lõi và nhiều phần tử xử lý hơn được thực hiện bằng quy trình chế tạo mỏng hơn.

Kỉ lục về siêu máy tính nhanh nhất thế giới hiện do một cỗ máy của Nhật Bản có tên là Fugaku nắm giữ. Siêu máy tính này đã giành được vương miện vào tháng 6 năm 2020 với hiệu suất tính toán đạt 416 petaFLOP (hoặc 0,416 exaFLOP), gần gấp ba lần hiệu suất đỉnh cao của siêu máy tính IBM Summit của Mỹ.

Kể từ đó, vị trí dẫn đầu của Fugaku đã mở rộng với việc bổ sung thêm 330.000 lõi, tăng hiệu suất lên 442 petaFLOPS. Tuy nhiên, nếu các báo cáo là chính xác thì cả siêu máy tính Tianhe-3 và Sunway Oceanlite đều có hiệu suất tính toán nhanh hơn gấp 3 lần siêu máy tính nhanh nhất hiện tại của Nhật Bản.

Sự xuất hiện của siêu máy tính exascale dự kiến sẽ mở ra một loạt cơ hội trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Ví dụ: mức hiệu suất này sẽ đẩy nhanh thời gian khám phá trong các lĩnh vực như y học lâm sàng và gen, vốn đòi hỏi lượng lớn sức mạnh tính toán để tiến hành mô hình hóa phân tử và giải trình tự bộ gen.

Trí tuệ nhân tạo (AI) là một lĩnh vực đa ngành khác sẽ được chuyển đổi khi có sự xuất hiện của điện toán exascale. Khả năng phân tích bộ dữ liệu ngày càng lớn sẽ cải thiện khả năng của các mô hình AI để đưa ra dự báo chính xác có thể được áp dụng trong hầu hết mọi bối cảnh, từ an ninh mạng đến thương mại điện tử, sản xuất, hậu cần, ngân hàng và nhiều lĩnh vực khác.

Trong khi Mỹ và Trung Quốc đang tranh giành vị trí dẫn đầu về AI, sự xuất hiện của hai siêu máy tính có hiệu suất tính toán exascale ở Trung Quốc trước khi Mỹ có thể ra mắt siêu máy tính exascale sắp tới của riêng mình mang tên “Frontier”, sẽ là một cú hích đối với chính quyền của Tổng thống Biden, đặc biệt là hai siêu máy tính mới này lại được xây dựng dựa trên tấm silicon của Trung Quốc.

Không rõ tại sao Trung Quốc không đưa hai siêu máy của mình vào bảng xếp hạng Top 500 siêu máy tính có hiệu suất cao nhất thế giới, nhưng tình hình địa chính trị gần như chắc chắn có liên quan đến vấn đề đó.

Phan Văn Hòa (theo Techradar)

Big Tech Trung Quốc đối mặt với mức phạt chống độc quyền tăng 10 lần

Big Tech Trung Quốc đối mặt với mức phạt chống độc quyền tăng 10 lần

Trung Quốc đang sửa đổi Luật Chống độc quyền lần đầu tiên kể từ khi có hiệu lực vào năm 2008, tăng cường các hình phạt chống độc quyền trong một nỗ lực nhằm kiểm soát nhiều hơn đối với lĩnh vực kỹ thuật số.