Chuyển đổi số đang ngày càng diễn ra nhanh chóng, tác động lên mọi mặt của nền kinh tế và làm thay đổi một cách mạnh mẽ các mô hình kinh doanh. Đó cũng là lý do xuất hiện rạp phim lớn nhất thế giới không có rạp nào (Netflix), công ty cung cấp dịch vụ lưu trú lớn nhất thế giới nhưng lại không sở hữu khách sạn nào (Airbnb) hay nhà cung cấp nội dung lớn nhất thế giới không sản xuất nội dung nào (Facebook).

Tại Việt Nam, sự xuất hiện của các mô hình dịch vụ lưu trú như Airbnb, Booking hay Agoda  đã mang lại lợi ích lớn cho cả người dùng và các nhà cung cấp dịch vụ lưu trú. Những công ty công nghệ này đang làm thay đổi mạnh mẽ bộ mặt của ngành kinh doanh dịch vụ lưu trú trong nước. 

Airbnb là sản phẩm của nền kinh tế chia sẻ, giúp tất cả mọi người có thể tận dụng được không gian trống trong chính nhà mình để cho thuê nhằm kiếm thêm thu nhập. Với Booking hay Agoda, đó lại là các mô hình giúp gắn kết người dùng và khách sạn. Nhờ thế, người dùng tìm được khách sạn mà mình mong muốn trong khi khách sạn sẽ có thêm một nguồn cung cấp khách đầu vào. 

{keywords}
OYO - ứng dụng đặt phòng công nghệ vừa xuất hiện tại Việt Nam. 

Mới đây, Việt Nam vừa chứng kiến sự xuất hiện của OYO, đây là một mô hình kinh doanh dịch vụ lưu trú mới, khác hẳn với các sản phẩm được ra đời trước đó. OYO cung cấp một ứng dụng nền tảng giúp người dùng có thể đặt phòng trên điện thoại di động.

Chiến lược kinh doanh của OYO nhắm đến việc đưa các tiêu chuẩn chung vào những khách sạn nhỏ có ngân sách eo hẹp. Đây là nhóm khách sạn được điều hành theo kiểu truyền thống, do vậy chúng thường bị các đơn vị lớn như Booking hay Agoda bỏ qua.  

Ứng dụng này chuyên hợp tác với các chủ khách sạn độc lập có số lượng dưới 100 phòng và thu tiền hoa hồng dựa trên mỗi lần đặt phòng khách sạn. Nếu như Airbnb, Booking hay Agoda chỉ đơn thuần là nền tảng kết nối, OYO tham gia trực tiếp vào việc đầu tư cơ sở vật chất cho các khách sạn trong hệ thống của mình.

{keywords}
Hệ thống của OYO nhắm tới các khách sạn cỡ nhỏ (dưới 100 phòng), quản lý việc đặt phòng cho họ thông qua ứng dụng và hưởng hoa hồng dựa trên mỗi khách kiếm được.  

OYO được thành lập năm 2013 bởi Ritesh Agarwal, một chàng trai Ấn Độ khi đó mới 19 tuổi. Chỉ trong 1 năm, OYO đã mở rộng được chuỗi khách sạn 125.000 phòng, lớn hơn bất kỳ đối thủ nào tại Ấn Độ. 

Tính đến cuối năm 2018, đã có khoảng 270.000 phòng khách sạn tham gia vào hệ thống của OYO. Hiện công ty này đã mở rộng ra toàn bộ khu vực Nam Á, Trung Quốc, Châu Âu, Mỹ, Malaysia, Trung Đông, Indonesia, Philippines, Nhật Bản và mới nhất là thị trường Việt Nam. 

Dù chỉ mới đặt chân đến Việt Nam, ứng dụng này hiện đang sở hữu khoảng 90 khách sạn nhượng quyền với 1.500 phòng độc quyền tại 6 thành phố, bao gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Phú Quốc, Vũng Tàu và Nha Trang.

{keywords}
Ritesh Agarwal - CEO của OYO hiện mới 25 tuổi, đã sáng lập công ty này năm 2013, khi Agarwa mới 19 tuổi.

Khi gia nhập OYO, cả chất lượng và dịch vụ phòng của các khách sạn nhỏ đều được cải thiện, trong khi đó giá phòng lại giảm do hiệu quả tăng lên. Mức giá trung bình của phòng khách sạn OYO là 400.000 đồng. Người dùng Việt Nam có thể đặt phòng của OYO thông qua ứng dụng của OYO trên di động hoặc của bên thứ 3 như Agoda, Booking, Tripavidsor,... OYO đang đặt mục tiêu sẽ trở thành chuỗi khách sạn lớn nhất tại Việt Nam trong năm 2020. 

Trọng Đạt