Phớt lờ Luật An ninh mạng, trốn thuế…

Năm 2008, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế Giới (WTO). Đối với hoạt động sản xuất, phát hành, phổ biến phim, Việt Nam chưa cam kết mở cửa thị trường cung cấp dịch vụ này qua biên giới. Hoạt động truyền hình cũng không xuất hiện trong cam kết WTO.

Tại Điều 12.1.a Nghị Định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18.1.2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình quy định các tổ chức OTT xuyên biên giới (ví dụ như Netflix) khi tham gia cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình trả tiền đều phải lập hồ sơ xin cấp phép đầu tư và được sự chấp thuận chủ trương của Thủ tướng Chính phủ trước khi cung cấp dịch vụ.

{keywords}
Netflix có nhiều nội dung vi phạm quy định pháp luật Việt Nam

Tuy nhiên, thực tế hiện nay các tổ chức OTT nước ngoài xuyên biên giới đều không lập hồ sơ xin cấp phép đầu tư và chưa được sự chấp thuận chủ trương của Thủ tướng Chính phủ nhưng vẫn đang cung cấp dịch vụ truyền hình, phổ biến phim trên mạng Internet xuyên biên giới tới người sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam.

Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 3 Điều 26 Luật An ninh mạng số 24/2018/QH14, NETFLIX và các tổ chức nêu trên đang thu thập thông tin người dùng tại Việt Nam (khi họ đăng ký tài khoản và thanh toán dịch vụ như lưu tên, số điện thoại, email, thông tin thẻ thanh toán qua ngân hàng…) nên phải tiến hành đặt server lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam và đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam. Cho đến nay, các OTT xuyên biên giới vẫn phớt lờ quy định này của Luật An ninh mạng.

Liên quan đến nghĩa vụ thuế, theo quy định tại Thông tư 103/2014/TT-BTC các tổ chức OTT nước ngoài xuyên biên giới là đối tượng chịu thuế nhà thầu (bao gồm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp) khi thực hiện cung cấp dịch vụ chiếu phim tại Việt Nam. Tuy nhiên, các tổ chức OTT nước ngoài xuyên biên giới không thực hiện thủ tục kê khai, nộp thuế khiến Việt Nam thất thu thuế rất nhiều, bởi doanh thu của các đơn vị này ở thị trường Việt Nam rất lớn.

Nhiều ý kiến cho rằng cần nghiên cứu bổ sung quy định trong trường hợp các doanh nghiệp nước ngoài không thực hiện nghĩa vụ thuế thì các doanh nghiệp có mua hàng của tổ chức nước ngoài thực hiện kê khai, khấu trừ nộp thay. Hoặc đối với cá nhân mua hàng của các nhà cung cấp nước ngoài thì các ngân hàng thương mại và tổ chức trung gian thanh toán sẽ khấu trừ nộp thay.

Với quy định này, các ngân hàng thương mại hoặc tổ chức trung gian thanh toán tại Việt Nam có thể tự động khấu trừ thuế nhà thầu khi người dùng cá nhân tại Việt Nam thanh toán cho dịch vụ trên thông qua các thẻ thanh toán quốc tế.

Lọt lướt kiểm duyệt

Một vấn đề nghiêm trọng khác là các tổ chức OTT xuyên biên giới phát sóng phim, show truyền hình được thuyết minh, phụ đề bằng tiếng Việt và các phim, show này hoàn toàn không qua kiểm duyệt nội dung. Hệ lụy là có rất nhiều phim, chương trình vi phạm nghiêm trọng về nội dung như xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, bạo lực, khiêu dâm…đã được các tổ chức này phát sóng.

Nếu hiểu các OTT TV xuyên biên giới (như Netflix) đang hoạt động phổ biến phim thì tất cả phim trước khi phổ biến phải có giấy phép được Cục Điện ảnh cấp. Nếu hiểu các tổ chức này đang cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền thì phim phải có quyết định phát sóng của giám đốc đài truyền hình; hoặc được biên tập bởi một đơn vị biên tập có thẩm quyền. Nếu hiểu các tổ chức này là kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ truyền hình trả tiền thì nội dung phải được biên tập theo Điều 19 Nghị định 06.

Như vậy trong mọi trường hợp, Netflix và các tổ chức này đều phải thực hiện biên tập nội dung tại các cơ quan chức năng trước khi phát sóng nội dung của mình. Tuy nhiên đến nay các OTT TV này chưa bao giờ biên tập nội dung theo các quy định và tiêu chí do pháp luật Việt Nam đưa ra. Điều này dẫn đến rất nhiều sai phạm về nội dung của các tổ chức này trong thời gian qua.

Trong khi đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT TV trong nước phải tuân thủ rất kỹ nhiều quy định pháp luật, nghĩa vụ liên quan đến cấp phép hoạt động. Cụ thể, để hoạt động các OTT nội phải thông qua quy trình xin phép phức tạp, nội dung nhập khẩu, sản xuất, kiểm duyệt tuân thủ theo quy trình chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan; chỉnh sửa, dịch và kiểm duyệt nội dung phát hành; tỷ lệ giữa các kênh trong nước và các kênh nước ngoài; nộp 10% thuế bản quyền, 5% thuế giá trị gia tăng và hơn 20% thuế thu nhập doanh nghiệp…

Ngoài ra, các đơn vị OTT nội sẽ bị xử lý ngay nếu có bất kì vi phạm pháp luật, chuẩn mực đạo đức Việt Nam. Trong khi đó, nội dung không được biên tập từ các đơn vị nước ngoài gây rủi ro rất lớn về mặt văn hóa, nhận thức đến hàng triệu người dân Việt Nam.

Trả lời đại biểu Trương Trọng Nghĩa tại phiên chất vấn của Quốc hội ngày 10.11.2020, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, luật pháp, trong khi một số nền tảng xuyên biên giới không nộp thuế, không tuân thủ luật pháp Việt Nam. Đây là sự cạnh tranh không cân bằng.

Dẫn ví dụ, Bộ trưởng Hùng cho biết Netflix có nhiều nội dung vi phạm quy định pháp luật Việt Nam về báo chí, điện ảnh, trẻ em. Theo đó phản ánh sai trái lịch sử như loạt phim về chiến tranh Việt Nam; xuyên tạc về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam như phim Madam Secretary; nhiều phim có nội dung bạo lực, sử dụng ma túy, khiêu dâm...

Đề cập hình thức phổ biến phim trên không gian mạng trong cuộc thảo luận tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Đoàn Kiên Giang) cho rằng, dù Điều 22 Luật Điện ảnh (sửa đổi) quy định về việc phổ biến phim trên không gian mạng nhưng vẫn còn một khoảng trống rất khó kiểm soát bởi khối lượng phim trên không gian mạng là quá lớn.

"Do đó, công tác tiền kiểm gặp nhiều khó khăn nhưng nếu chỉ hậu kiểm thì không thể kiểm soát được những bộ phim có nội dung độc, hại, không thu hồi được phim có nội dung xấu", ông Tuấn nhấn mạnh.

Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam kiến nghị các tổ chức nước ngoài cung cấp thông qua dịch vụ ứng dụng viễn thông xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam phải thực hiện thủ tục về đăng ký cấp phép hoạt động theo quy định và tất cả nội dung trước khi cung cấp tại Việt Nam phải thông qua khâu biên tập, biên dịch, kiểm duyệt. Nếu chưa tuân thủ quy định về thủ tục, điều kiện cấp phép thì không cho tham gia cung cấp dịch vụ vào thị trường Việt Nam.

Đồng thời, áp dụng các biện pháp kỹ thuật kèm theo chế tài đủ mạnh để kiểm soát việc tuân thủ các quy định về kiểm duyệt nội dung theo Luật Điện ảnh và Luật Báo chí đối với tất cả các phim, chương trình truyền hình; quy định việc kê khai doanh thu (phí dịch vụ và doanh thu quảng cáo kê theo) phát sinh tại Việt Nam để áp dụng đầy đủ các quy định của pháp luật về thuế tương tự như đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ trong nước.

Ngoài ra, đưa các dịch vụ cung cấp nội dung xuyên biên giới vào danh mục kiểm soát đặc biệt, đồng thời tăng cường kiểm tra và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về cạnh tranh…

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng cần hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung và ban hành nghị định mới quy định cụ thể muốn cung cấp các dịch vụ này tại Việt Nam đều phải thực hiện nghĩa vụ làm thủ thục xin cấp giấy phép và thực hiện một số quy định liên quan đến biên tập nội dung.

“Việc kiểm duyệt này là phải chặt chẽ, khách quan. Nội dung các dịch này đều phải tuân thủ theo Luật Báo chí và Luật Điện ảnh và luật liên quan. Khi nội dung của dịch vụ OTT muốn được phát hành phải có giấy phép cơ quan có thẩm quyền, được Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình địa phương biên tập”, ông Hùng nói.

Ngoài ra, ông Hùng cho rằng cần có quy định yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ OTT nền tảng xuyên biên giới phải cam kết tuân thủ theo quy định pháp luật Việt Nam. Nếu không tuân thủ thì cần có chế tài để tạo tính cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, tạo nên sự công bằng và bảm đảm cho thuần phong mỹ tục, văn hóa, các lĩnh vực khác và những lợi ích khác mà Việt Nam cần được tôn trọng, bảo vệ.

Thái Bình

G20 sắp đánh thuế Apple, Facebook trên toàn cầu

G20 sắp đánh thuế Apple, Facebook trên toàn cầu

Thỏa thuận mới được các lãnh đạo G20 thông qua buộc các công ty lớn nộp thuế ít nhất 15% trên toàn thế giới.