Một ngày sau khi Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp cùng Bộ Y tế và Tập đoàn Viettel tổ chức tập huấn toàn quốc, nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 chính thức được đưa vào sử dụng.

Ngay trong chiều 21/7, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đã trực tiếp đến các điểm tiêm chủng tại Viện Y Dược học dân tộc, Trường Tiểu học Trần Khánh Dư ở TP.HCM để kiểm tra thực tế việc sử dụng nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 vừa được triển khai.

{keywords}
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đi thị sát, kiểm tra việc sử dụng nền tảng quản lý tiêm chủng

Đánh giá về nền tảng quản lý tiêm chủng, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết: “Đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai tổ chức một nền tảng dùng chung quốc gia hỗ trợ nhiều bộ, ngành địa phương và các bên liên quan cùng tham gia hiệp đồng, hợp tác chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Tôi mong rằng với cách tiếp cận mới, với cách làm quyết liệt, nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 sẽ ngày một hoàn thiện, tiếp thu các ý kiến góp ý để trở nên đơn giản, dễ sử dụng”.

Thực tế cho thấy việc sử dụng nền tảng quản lý tiêm chủng tích hợp nhiều tính năng số hiện đại nên người dân đăng ký, đặt lịch tiêm chủng tương đối thuận tiện, dễ dàng, đảm bảo được yếu tố 5K như Bộ Y tế khuyến cáo.

Từ khi đăng ký tiêm chủng đến khi theo dõi sau tiêm đều được quản lý hiệu quả theo 5 bước, việc thực hiện đăng ký thông qua ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử và Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, các Sở y tế thực hiện duyệt, phân bổ đối tượng tiêm chủng Covid-19 đến các Trung tâm Y tế quận/huyện…

{keywords}
Mỗi người dân được cấp một mã QR code

Theo ý kiến một số người dân tới tiêm chủng tại Viện Y Dược học dân tộc và Trường tiểu học Trần Khánh Dư, nền tảng quản lý tiêm chủng sử dụng là khá dễ dàng thuận tiện, tránh được nhiều rủi ro so với việc đăng ký tiêm chủng thông thường, thủ công như trước đây.

Chia sẻ sau khi tiêm, chị Khánh Vân (ngụ phường 10, quận Phú Nhuận) cho biết: “Do bị huyết áp cao, những lần trước tôi không tiêm được. Hôm nay đi thấy thuận tiện hơn, đảm bảo an toàn thay vì đến đông, chờ đợi. Ở đây đăng ký qua app rồi nhận tin nhắn hẹn đến ngày giờ tiêm, ngoài ra còn theo dõi được lịch, thuốc tiêm…Tôi thấy khá yên tâm khi đi tiêm thế này.”

{keywords}
Kiểm tra cơ sở dữ liệu 

 

{keywords}
Người dân dễ dàng đăng ký lịch tiêm...

Đánh giá về ngày đầu tiên triển khai, ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa cho biết: “Sau một thời gian ngắn triển khai, thử nghiệm, đến nay có hơn 1,5 triệu người dùng đã sử dụng nền tảng công nghệ dùng chung quốc gia chống dịch Covid-19.

Hy vọng chúng ta sẽ tận dụng cơ hội này để thực hiện thật nhanh chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế và nhiều lĩnh vực liên quan. Cụ thể: Mỗi một người dân có 1 QR code, một Hồ sơ sức khỏe điện tử. QR code của người dân không chỉ là công cụ hỗ trợ người dân trong dịch bệnh mà nó sẽ phục vụ rất nhiều cho các dịch vụ liên quan đến chính phủ số, kinh tế số và xã hội số sau này”…

{keywords}
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng hỏi thăm một người dân về hiệu quả sử dụng nền tảng quản lý tiêm chủng

Nền tảng quản lý tiêm chủng được thiết kế và xây dựng theo hướng toàn trình. Nền tảng này có khả năng quản lý vắc xin từ khi về đến khi nhập kho, xuất kho, phân bổ, vận chuyển và tiêm; cho phép quản lý đến từng liều, từng lô, từng loại vắc xin ở từng cơ sở tiêm chủng.

Duy Linh – Thanh Tùng

Lần đầu tiên triển khai nền tảng công nghệ dùng chung quốc gia chống dịch Covid-19

Lần đầu tiên triển khai nền tảng công nghệ dùng chung quốc gia chống dịch Covid-19

Nền tảng quản lý tiêm chủng là nền tảng dùng chung quốc gia đầu tiên hỗ trợ nhiều bộ, ngành địa phương và các bên liên quan cùng tham gia hiệp đồng, hợp tác chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid.