Mạng xã hội phải chuẩn bị cho làn sóng tin giả vaccine Covid-19
 

Facebook cam kết hành động cứng rắn với với thông tin sai sự thật về vaccine, chẳng hạn hạ cấp trên Bảng tin, không gợi ý các nhóm liên quan. Tuy nhiên, không lâu sau, Instagram tiếp tục hiển thị bài viết từ tài khoản và hashtag anti vaccine khi tìm kiếm từ khóa “vaccine”. Bất chấp nhiều nỗ lực, Facebook vẫn thất bại khi không thể chặn đứng nó trên nền tảng.

Hiện tại, khi vaccine Covid-19 đang chuẩn bị được triển khai trên toàn cầu, các hãng công nghệ cũng đối mặt với bài kiểm tra lớn nhất của mình trên mặt trận tin giả này. Francesco Rocca, Chủ tịch Liên hiệp Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, nhận định để đánh bại đại dịch Covid-19, chúng ta phải đánh bại “đại dịch ngờ vực”.

Một số mạng xã hội đã bổ sung chính sách liên quan tới tin giả vaccine Covid-19; số khác vẫn còn cân nhắc cách tiếp cận tốt nhất. Dù vậy, hoạch định luôn là phần dễ dàng, thi hành mới là thứ mà các nền tảng còn thiếu sót.

Covid-19 và vaccine điều trị đã là mục tiêu của nhiều thuyết âm mưu. Có kẻ đưa ra tuyên bố sai lầm về hiệu quả của khẩu trang, có kẻ lại đưa ra thông tin vô căn cứ rằng microchip sẽ được cấy vào người tiêm vaccine.

Đầu tháng này, Facebook dẹp một nhóm riêng tư chuyên về nội dung anti vaccine. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nhóm như vậy tồn tại. Theo khảo sát nhanh của CNN, ít nhất có hơn 10 hội nhóm Facebook lên tiếng chống lại vaccine với số lượng từ vài trăm tới vài chục ngàn. Ít nhất một nhóm tập trung vào phản đối vaccine Covid-19.

Brooke McKeever, giáo sư truyền thông tại Đại học Nam Carolina, người nghiên cứu về tin giả vaccine và mạng xã hội, dự đoán nội dung anti vaccine sẽ gia tăng và là vấn đề lớn. Theo ông, nhiều người lo ngại về tốc độ phát triển vaccine, bên cạnh đó vaccine này chưa từng được dùng nên mọi người có thể sợ hãi và không chắc chắn. Do đó, họ có xu hướng tin tưởng tin giả về vaccine.

Sự hoài nghi ấy sẽ dẫn tới hậu quả ngoài đời, đó là mọi người không tiêm vaccine, Covid-19 tiếp tục lây lan. Dù chuyên gia y tế cho biết vaccine đặc biệt an toàn, hiếm có tác dụng phụ nguy hiểm, những bài viết anti vaccine Covid-19 vẫn tiếp cận lượng độc giả lớn.

Báo cáo từ Trung tâm chống phát ngôn thù hận (CCDH) hồi tháng 7 chỉ ra các mạng lưới anti vaccine có tới 58 triệu người theo dõi, chủ yếu tại Mỹ, Anh, Canada và Australia. Báo cáo cũng chỉ trích các mạng xã hội vì chỉ hành động ở mức tối thiểu để ngăn chặn nội dung sai sự thật.

Cùng tìm hiểu một số chính sách của các mạng xã hội chống tin giả Covid-19 đến nay:

Facebook và Instagram

Người phát ngôn Facebook cho biết, họ cho phép thảo luận về các cuộc thử nghiệm vaccine và nghiên cứu liên quan tới Covid-19, nhưng sẽ xóa những khẳng định có vaccine Covid-19 an toàn, hiệu quả, cho tới khi nhà chức trách y tế toàn cầu xác nhận có vaccine như vậy. Facebook cũng từ chối các quảng cáo khuyến khích mọi người không tiêm vaccine.

Quy định về Covid-19 của Facebook chỉ rõ, công ty sẽ nỗ lực xóa bỏ nội dung có khả năng gây hại đến thế giới thực, bao gồm thông tin sai sự thật.

Twitter

Phát ngôn viên Twitter cho biết, công ty vẫn đang cân nhắc chính sách và sản phẩm ngay trước khi vaccine được cấp phép đưa vào sử dụng. Từ năm 2018, Twitter đã bổ sung lời nhắc, dẫn người dùng đến nguồn tin y tế chính thống khi tìm kiếm liên quan tới vaccine.

Mạng xã hội cũng đưa ra chính sách chi tiết về nội dung sai sự thật và gây nhầm lẫn về Covid-19. Twitter nhấn mạnh, đang tập trung loại bỏ thông tin sai sự thật về Covid-19 như lan truyền tin giả, về hiệu quả của khẩu trang.

YouTube

Vào tháng 10, YouTube cập nhật chính sách, trong đó có gỡ bỏ video chứa tin giả về vaccine Covid-19. Chẳng hạn, nền tảng sẽ xóa video khẳng định vaccine gây chết người hay vô sinh. Người phát ngôn YouTube cho biết sẽ tiếp tục theo dõi tình hình và cập nhật chính sách nếu cần.

TikTok

TikTok nói sẽ xóa nội dung sai sự thật liên quan tới Covid-19 và vaccine, bao gồm nội dung anti vaccine. Công ty thực hiện một cách chủ động và thông qua báo cáo của người dùng. TikTok cũng hợp tác với các tổ chức xác thực sự thật như Politifact, Lead Stories, SciVerify và AFP để đánh giá mức độ chính xác của nội dung.

Trên các video liên quan tới đại dịch – dù gây hiểu nhầm hay không, TikTok đều thêm nhãn “Tìm hiểu sự thật về Covid-19” để dẫn người dùng tới trung tâm thông tin từ các nguồn chính thống như WHO.

Du Lam (Theo CNN)

Thu về "tiền tấn" từ quảng cáo, YouTube bất lực để tin giả hoành hành?

Thu về "tiền tấn" từ quảng cáo, YouTube bất lực để tin giả hoành hành?

Facebook, Twitter đều có những chính sách riêng để chống lại tin giả, tin không đúng sự thật. Còn YouTube đã làm gì trong cuộc chiến chống tin giả?