Chương trình nhằm chia sẻ những kinh nghiệm ứng dụng công nghệ vào giảng dạy trong giai đoạn đại dịch Covid-19 cũng như giới thiệu các giải pháp của mô hình giáo dục tương lai, từ đó góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số ngành giáo dục và đào tạo trong thời đại mới.

Giáo dục số trong đại dịch Covid-19

Theo Diễn đàn Giáo dục Thế giới (The Education World Forum), có khoảng 53% trẻ em dưới 10 tuổi tại các nước thu nhập thấp và trung bình không thể đọc được một đoạn văn bản đơn giản trước đại dịch Covid-19 và con số này đã tăng lên 63% sau khi đại dịch bùng phát.

Đặc biệt, tại các nước thuộc khu vực Châu Phi, con số này lên đến 90%. Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều trường học trên thế giới phải đóng cửa, học sinh nhiều nơi đột ngột bị ngừng học trong một thời gian dài.

{keywords}
“Ngày hội Công nghệ Giáo dục 2021 – Tương lai Giáo dục hậu Covid” do Microsoft Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các đối tác công nghệ và giáo dục đồng tổ chức trực tuyến.

Ngân hàng Thế giới (The World Bank) cũng dự đoán việc học sinh bị thất học sẽ dẫn đến một khoản thiệt hại về nhu nhập trong tương lai tương đương 10 nghìn tỷ USD.

Đứng trước những thách thức này, công nghệ đã được áp dụng rộng rãi trong các hoạt động giáo dục và đào tạo trên toàn cầu theo những cách sáng tạo trong suốt hai năm qua để duy trì việc dạy và học.

Một nghiên cứu của The Economist Intelligent Unit cho thấy 85% nhà giáo cho rằng đại dịch đã thúc đẩy tiến trình số hóa giáo dục trước 10 năm và 93% học sinh tin rằng giáo dục trực tuyến sẽ tốt cho việc học tập của họ. Rõ ràng, công nghệ không chỉ là công cụ để duy trì việc học tập và giảng dạy trong giai đoạn đại dịch mà là đang là nhân tố thúc đẩy hiệu quả cho sự phát triển của giáo dục số.

Chia sẻ về vấn đề này tại hội thảo, ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục CNTT – Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Đại dịch Covid-19 có thể coi là cú huých với các trường học trong cả nước để tăng tốc tiến trình chuyển đổi số ngành giáo dục đào tạo. Trong 2 năm vừa qua, ngành giáo dục đào tạo đã ghi nhận tỷ lệ học sinh học trực tuyến đạt 80% trên cả nước. Năng lực số của đội ngũ giáo viên đã gia tăng đáng kể thông qua việc sử dụng thành thạo, hiệu quả và sáng tạo các giải pháp công nghệ phục vụ giảng dạy. Nhiều trường học đã sớm đầu tư một hệ sinh thái số từ việc dạy và học trực tuyến đến hệ thống quản trị không giấy tờ và tổ chức bài bản các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng số cho cán bộ nhân viên và thầy cô.”

Cũng tại hội thảo, đại diện các trường học triển khai thành công các giải pháp công nghệ vào giảng dạy trong giai đoạn đại dịch đã có những chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và bổ ích.

Tương lai giáo dục số hậu Covid

Phát biểu tại hội thảo, ông Tô Hồng Nam nhấn mạnh: “Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và đang diễn ra rất nhanh trên mọi lĩnh vực và ngành nghề. Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đặt mục tiêu giáo dục phải đi tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số, thậm chí là cần phải đi trước cả y tế. Ứng dụng công nghệ phải mang lại hiệu quả, nâng cao năng suất cho giảng dạy và học tập, tránh việc xa đà vào việc trình diễn công nghệ mà không thiết thực. Các doanh nghiệp phải tư vấn một cách công tâm và trung thực cho nhà trường, kể cả các điểm yếu và hạn chế nếu có trong mỗi giải pháp công nghệ.”

Theo đó, trong năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng một số chính sách nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số ngành giáo dục. Thứ nhất, ban hành Bộ tiêu chí, chỉ số đánh giá chuyển đổi số các cơ sở giáo dục đào tạo để các trường có một lộ trình chuyển đổi bài bản và khoa học. Thứ hai, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Chuẩn dữ liệu số, học liệu số để đảm bảo dữ liệu số của ngành giáo dục có sự liên thông và kết nối với dữ liệu quốc gia. Thứ ba, rà soát và nghiên cứu kỹ các giải pháp công nghệ thông tin cho ngành giáo dục để các trường có thể tham chiếu, lựa chọn tùy theo điều kiện cơ sở mà vẫn đảm bảo tiêu chí an toàn thông tin mạng.

Ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc Kinh doanh, Microsoft Việt Nam, cho biết: “Tại Microsoft, chúng tôi luôn nỗ lực trao quyền cho học sinh hôm nay để tạo ra thế giới ngày mai. Tương lai của giáo dục là học tập kết hợp – hybrid learning và để thực hiện được điều đó, Microsoft đã xây dựng Khung Chuyển đổi số Giáo dục dựa trên nghiên cứu và nhiều thập kỷ làm việc với các nhà hoạch định chính sách, các nhà lãnh đạo trường học và các nhà giáo dục trên thế giới, thông qua 4 trụ cột chính là: Lãnh đạo và Chính sách; Dạy và Học; Môi trường thông minh; và Sự thành công của học sinh và nhà trường.”

Cũng tại hội thảo, Microsoft đã chia sẻ hệ sinh thái giải pháp thúc đẩy giáo dục số lấy học sinh làm trung tâm, bao gồm 4 yếu tố là: Môi trường – Nền tảng – Công cụ – và Sự sáng tạo.”

H.P.