Gia nhập thị trường kể từ khi Internet lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam năm 1997, đến nay sau hơn hai thập kỷ, Microsoft đã góp phần to lớn làm thay đổi cuộc sống người dân và đồng hành đưa công nghệ phủ khắp mọi khía cạnh cuộc sống bằng các hoạt động xã hội.

Cụ thể, Microsoft đã trao tặng và hỗ trợ kỹ thuật, phần mềm, điện toán đám mây cho Việt Nam với tổng trị giá hơn 20 triệu USD. Ngoài ra, doanh nghiệp còn hỗ trợ ngân sách hơn 3 triệu USD cho hơn 100 tổ chức phi lợi nhuận triển khai các dự án nâng cao kỹ năng số cho thế hệ tương lai.

{keywords}
 

Với hàng loạt sáng kiến và đóng góp tầm quốc gia, 5 năm liên tiếp Microsoft Việt Nam được Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) vinh danh doanh nghiệp “Cống hiến Vì cộng đồng”. Mới đây nhất, đích thân Đại sứ Mỹ Daniel J. Kritenbrink đã trao giải thưởng cho Microsoft với sáng kiến: Xây dựng phần mềm quản lý rủi ro thảm họa trong thời đại 4.0 cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Dự án “Ứng phó Thảm họa” được Microsoft tư vấn kỹ thuật và tài trợ 2,2 tỷ đồng triển khai từ năm 2017. Phần mềm sử dụng các công nghệ lõi của Microsoft, tích hợp cả trên điện thoại di dộng lẫn nền tảng web. Vào đầu mùa mưa lũ, app được đưa vào triển khai thí điểm tại 9 tỉnh thành trọng điểm thiên tai, trở thành trợ thủ đắc lực cho hàng nghìn cán bộ đội ứng phó thảm họa từ cấp xã huyện đến Trung ương.

{keywords}
 

“Ứng phó Thảm họa” giúp tổng hợp thông tin, đánh giá nhanh thảm hoạ, cảnh báo theo từng cấp và truyền tin “cấp tốc” về TW Hội Chữ thập đỏ. Đồng thời, kích hoạt các thành viên Đội phản ứng nhanh thông qua email, tin nhắn và phần mềm nhằm nhanh chóng huy động nhân lực đối phó với bão lũ.

Ứng dụng cũng cho phép Hội Chữ thập đỏ tra cứu các hộ gia đình dễ tổn thương nằm trong vùng thiên tai thảm hoạ; sau đó định vị các thành viên đội phản ứng nhanh để điều động khẩn cấp đến cứu hộ cứu nạn nhanh nhất, góp phần giảm thiệt hại về người và của.

Điểm thú vị của ứng dụng còn nằm ở nền tảng mở, cho phép người dân tải phần mềm về điện thoại theo dõi thông tin. Thông qua đó, nhiều bà con vùng thường xuyên xảy ra bão lũ đã kịp thời tiếp nhận thông tin dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai thảm hoạ... được cập nhật tự động từ các nguồn tin uy tín của Chính phủ.

{keywords}
 

“Không để ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên số hóa” – luôn là sứ mệnh quan trọng hàng đầu của Microsoft tại Việt Nam. Mặc dù chưa ai có thể dự đoán được chính xác tương lai sẽ thế nào trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, song một điều chắc chắn là cuộc cách mạng này sẽ làm thay đổi nhu cầu kỹ năng của lực lượng lao động hiện có.

Bằng cách đẩy mạnh các hoạt động đào tạo miễn phí, Microsoft đang góp phần nâng cao năng lực làm việc cho thế hệ trẻ Việt Nam trong thời đại kỷ nguyên số. Năm 2018, Microsoft cũng được AmCham vinh danh với dự án YouthSpark phối hợp với Bộ Giáo dục Đào tạo thực hiện từ năm 2016 đến 2018, mang công nghệ đến với gần 200.000 thanh thiếu niên 12 tỉnh vùng sâu vùng xa và thu hút 1.700 giáo viên tham gia tập huấn.

Tiếp nối thành công, năm học 2018-2019, Microsoft mở rộng dự án cho phép học sinh trên cả nước tiếp cận với các khóa học trực tuyến Tin học ứng dụng - Khoa học máy tính (youthspark.digitalskill.vn/), cũng như các khóa học bồi dưỡng kiến thức và phương pháp giảng dạy online cho giáo viên (taphuan.moet.gov.vn/). Trên hành trình phổ cập công nghệ, Microsoft cũng truyền cảm hứng theo đuổi ngành STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) cho hơn 4.000 nữ sinh, góp phần giảm bất bình đẳng giới trong lĩnh vực này.  

Các dự án thể hiện trách nhiệm xã hội của Microsoft đều được AmCham đánh giá cao ở 4 khía cạnh. Đó là: Cân bằng mục tiêu kinh doanh và nhu cầu xã hội; Tạo ra lợi ích kinh tế và xã hội lâu dài; Truyền thông và chia sẻ thực tiễn tốt nhất; Đảm bảo tính bền vững lâu dài.

Chia sẻ về mục tiêu xã hội lâu dài, ông Phạm Thế Trường - Tổng Giám Đốc Microsoft Việt Nam cho biết: “Tại Microsoft, chúng tôi hướng đến một tương lai bền vững cho Việt Nam. Sự bền vững đến từ việc xây dựng, bảo vệ và giáo dục, thông qua công nghệ. Chúng tôi tin rằng, Microsoft chỉ thực sự thành công khi Việt Nam có thể vững bước trên hành trình chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này. Và điều đó đòi hỏi sự đồng hành của chính phủ, đối tác, các tổ chức phi lợi nhuận và cả cộng đồng”

Nguyễn Minh (tổng hợp)