Các nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc tại châu Âu đã lên tiếng chỉ trích những cáo buộc "vô căn cứ" nhằm vào Huawei, khẳng định doanh nghiệp viễn thông này của Trung Quốc không gây ra mối đe dọa đối với bất kỳ quốc gia nào.

{keywords}

 Trung Quốc phản bác các cáo buộc nhằm vào Huawei. Ảnh: Reuters

Ngày 28/1, Đại sứ Trung Quốc tại Liên minh châu Âu (EU) Trương Minh tuyên bố Huawei là nạn nhân của sự "vu khống", đồng thời cáo buộc chính phủ các nước phương Tây đang tìm cách ngăn cản nỗ lực của doanh nghiệp viễn thông này triển khai công nghệ trên khắp thế giới.

Trả lời phỏng vấn tờ Financial Times, Đại sứ Trương Minh hiện nay "không phải tốn công" để có thể "thêu dệt ra một câu chuyện bảo mật về Huawei" và điều này đi ngược lại với tinh thần cạnh tranh công bằng và tự do.

Đại sứ Trương Minh khẳng định: "Tôi không nghĩ rằng câu chuyện này có liên quan tới vấn đề an ninh và không có bất kỳ bằng chứng hay sự thật nào chứng minh cho cái gọi là mối quan ngại an ninh". Nhà ngoại giao Trung Quốc cho rằng đây là "một hành động bảo hộ mang ý nghĩa chính trị", đi ngược lại xu hướng toàn cầu hóa.

Trước đó, tờ The Telegraph đã đăng một bài viết của Đại sứ Trung Quốc tại Vương quốc Anh Lưu Hiểu Minh với tiêu đề "Đừng nghe những kẻ phao tin đồn nhảm - Huawei không phải là mối đe dọa an ninh đối với nước Anh". Trong bài báo này, nhà ngoại giao Trung Quốc đã lưu ý về "một lệnh cấm tại một số quốc gia" và "mối lo ngại không cần thiết" đối với các công ty như Huawei.

Theo Đại sứ Lưu Hiểu Minh, nếu không được kiểm chứng, những điều trên có thể gây rối loạn các quy tắc thị trường, hủy hoại niềm tin của doanh nghiệp, gây tổn hại tới sự hợp tác giữa doanh nghiệp và khiến nền kinh tế thế giới trở nên bất ổn.

Huawei là nhà cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, cũng như các thiết bị thông bị hàng đầu thế giới, trong đó có mạng không dây thế hệ mới 5G. Công nghệ 5G cho phép truyền gần như lập tức một lượng lớn dữ liệu, được xem là chìa khóa để đi vào thế giới Mạng lưới vạn vật kết nối Internet (IoT), trong đó hàng tỷ bộ cảm biến sẽ được tích hợp vào các thiết bị gia dụng, hệ thống an ninh, thiết bị theo dõi sức khỏe, khóa cửa, xe hơi và thiết bị đeo... Huawei đã đầu tư hàng tỷ USD vào công nghệ này, chủ yếu cạnh tranh với Ericsson của Thụy Điển và Nokia của Phần Lan.

Tuy nhiên, Mỹ, Anh và nhiều nước khác đã cảnh báo về các nguy cơ an ninh của Huawei. Ban lãnh đạo Huawei đã phản ứng mạnh mẽ với các cáo buộc của phương Tây. Chủ tịch Huawei Lương Hoa (Liang Hua) cảnh báo sẽ rút các đối tác tại các nước không hoan nghênh doanh nghiệp này.

Tháng 12/2018, cảnh sát đã bắt giữ Giám đốc Tài chính của Huawei, bà Mạnh Vãn Chu, cũng là con gái của nhà sáng lập doanh nghiệp này, theo đề nghị truy nã của Mỹ do vi phạm các trừng phạt của Mỹ chống Iran. Trung Quốc cáo buộc Washington "hành xử kiểu bắt nạt" sau khi chính quyền Mỹ xác nhận các kế hoạch tìm cách dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu sang Mỹ xét xử.

Theo TTXVN

Trung Quốc có thể cắt các đầu tư vào Thung lũng Silicon do vụ Huawei

Trung Quốc có thể cắt các đầu tư vào Thung lũng Silicon do vụ Huawei

Trung Quốc hoàn toàn có thể cắt giảm đầu tư vào Thung lũng Silicon - thủ phủ công nghệ của Mỹ, do những căng thẳng leo thang xung quanh hãng viễn thông lớn nhất thế giới Huawei.