Trong số những cái tên được Son Masayoshi - nhà đầu tư công nghệ quyền lực bậc nhất thế giới - rót vốn, WeWork là công ty gây tranh cãi nhất thời gian qua.

Là một startup về chia sẻ không gian làm việc, WeWork đã gây dựng tên tuổi bằng nhiều chiến lược đa dạng. Tháng 1/2019 tự định giá trị vốn hóa lên tới 47 tỷ USD.

Tuy nhiên, sau khi cáo bạch IPO được công bố vào tháng 8, kết quả kinh doanh thảm hại của WeWork cho thấy nó không có bất kỳ cơ sở gì để đạt tới con số định giá cao vút.

{keywords}
WeWork giống như một gáo nước lạnh, khiến giới đầu tư tỉnh táo trở lại trong việc định giá các startup. Ảnh: Reuters

Trong vòng 4 tuần, giá trị vốn hóa của WeWork bốc hơi 37 tỷ USD, từ 47 tỷ USD rớt xuống chỉ còn lại vỏn vẹn 10 tỷ USD. CEO WeWork Adam Neumann phải từ chức, kế hoạch IPO bị hoãn vô thời hạn.

Thực tế phũ phàng của các kỳ lân

WeWork không phải “kỳ lân” duy nhất chứng kiến giá trị tuột dốc trong thời gian ngắn. Kỳ lân - từ được nhà sáng lập Aileen Lee của Cowboy Ventures nghĩ ra - được dùng để chỉ những startup chưa IPO có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD, bởi những công ty này hiếm hoi như loài sinh vật bí ẩn.

Giờ đây, thế giới tràn ngập các công ty kỳ lân. Theo CBInsights, hiện tại trên thế giới có 403 startup kỳ lân, hoạt động trong đủ mọi lĩnh vực. Trong số đó, những startup thành công nhất được định giá tới hàng chục tỷ USD. Đối với rất nhiều nhà đầu tư, thành công cuối cùng sẽ là công ty có thể chào bán cổ phiếu cho công chúng (IPO) và trở thành công ty niêm yết.

Tuy nhiên, IPO không hẳn là dấu mốc đánh dấu sự thành công của một công ty kỳ lân. Theo thống kê của Information, rất nhiều startup được chú ý và đánh giá cao đã giảm giá trị trong thời gian ngắn sau IPO.

Cổ phiếu của Uber mất khoảng 30% giá trị so với khi IPO, trong khi con số của Lyft lên tới 42%. Công ty bán máy đạp xe Peloton cũng mới IPO tuần qua, nhưng giá cổ phiếu của hãng sụt 11% trong ngày giao dịch đầu tiên.

“Những công ty vẫn đang đốt tiền như Uber, Lyft và Peloton, hay có những nhà lãnh đạo quá quyền lực và cơ chế kiểm soát kém, đồng thời còn đang lỗ như We Company - công ty chủ quản của WeWork - đều phải đối diện với những cái nhìn nghi hoặc từ thị trường”, nhà phân tích Carloton English của Information nhận định.

{keywords}
Nhiều startup đình đám mất giá mạnh sau khi IPO, trong đó có Uber, Lyft, Slack. Ảnh: TheInformation

Đầu năm nay, IPO vẫn là bước ngoặt đầy hứa hẹn với các startup. Hầu hết công ty có giá trị vượt trội đều tham gia nền kinh tế chia sẻ: chia sẻ phương tiện như Uber và Lyft, chia sẻ chỗ ở như Airbnb, hay chia sẻ không gian làm việc như WeWork.

Họ cố gắng tìm cách phá vỡ thị trường truyền thống thông qua công nghệ, và đó chính là yếu tố hứa hẹn nhất với những nhà đầu tư.

“Đây là cách thị trường vốn truyền thống phản ứng với nền kinh tế chia sẻ. Giống như Amazon đã trở thành công ty bán lẻ lớn nhất, hay Facebook là mạng xã hội với sức mạnh vượt trội, nguồn vốn đang đổ vào để tạo nên các đế chế độc quyền và thay đổi luật pháp để củng cố vị thế đó”, Douglas Ruskoff, tác giả nhiều cuốn sách về công nghệ, lý giải vì sao các công ty lại nhận được nguồn đầu tư lớn như vậy.

“Công nghệ” - từ khóa khiến giới đầu tư phát cuồng

Điểm chung của nhiều công ty kỳ lân là họ được nhìn nhận như một công ty công nghệ. Nền kinh tế chia sẻ có thành công như ngày hôm nay nhờ phá vỡ cách làm truyền thống, đem dịch vụ đến số lượng người dùng lớn hơn trong khi chi phí thấp hơn nhờ vào công nghệ.

Giá trị các công ty công nghệ tăng vọt do chúng đều được các nhà đầu tư định giá, chứ không phải là thị trường công khai. Thung lũng Silicon chính là cái nôi của ngành đầu tư mạo hiểm, với rủi ro cao nhưng mức lợi nhuận cũng rất lớn.

“Đầu tư mạo hiểm được sinh ra từ Thung lũng Silicon, nơi mà các nhà đầu tư đặt cửa vào một sản phẩm có khả năng sinh sôi lợi nhuận không giới hạn nếu như sản phẩm đó thành công”, nhà phân tích Ben Thompson của Stratecherry nhận xét.

{keywords}
Uber là ví dụ kinh điển cho việc ứng dụng công nghệ vào nền kinh tế chia sẻ để phá vỡ những hình thức kinh doanh truyền thống. Ảnh: Bloomberg

Nhìn vào các startup thành công nhất trong nền kinh tế chia sẻ, có thể nhận thấy giá trị từ công nghệ. Airbnb tạo được nền tảng nơi người có phòng và người cần phòng giao dịch với nhau mà không cần chi phí cho một địa điểm giao dịch, có thể mở rộng ra khắp nơi trên thế giới nhờ công nghệ, và chi phí thực hiện giao dịch rất nhỏ. Uber hay Netflix cũng có những mô hình tương tự.

Nói cách khác, công nghệ phải đóng vai trò xóa đi những rào cản vật lý, cho phép các công ty mở rộng dịch vụ nhanh chóng. Nhờ ứng dụng công nghệ để vượt qua các rào cản này, các nhà đầu tư kỳ vọng những công ty sẽ sớm đem lại lợi nhuận khổng lồ khi chiếm lĩnh thị trường.

Dần dần, chỉ cần có yếu tố công nghệ là những nhà đầu tư đã sẵn sàng bỏ tiền, đôi khi không cần quan tâm kết quả kinh doanh trong ngắn hạn.

Cơn tỉnh giấc của thung lũng Silicon

Theo The Verge, từ “công nghệ” xuất hiện 110 lần trong hồ sơ S-1 để đăng ký IPO do We Company gửi đi. Rõ ràng WeWork muốn được nhìn nhận như một công ty công nghệ, nhưng thật khó để xác định một doanh nghiệp có doanh thu chính từ cho thuê địa điểm và tổ chức sự kiện như WeWork, hay bán máy đạp xe và các khóa học như Peloton là công ty công nghệ.

Trong thực tế, mô hình kinh doanh của WeWork còn gặp rất nhiều giới hạn bởi các yếu tố như chi phí thuê nhà, số lượng địa điểm có thể thuê, và chi phí tư vấn, bán hàng cao.

Do vậy, theo chuyên gia Thompson, không thể nhìn nhận đây là một công ty công nghệ. Tình hình kinh doanh không khả quan, yếu tố công nghệ cũng dần được nhìn nhận chính xác hơn, việc giá trị ảo của WeWork mất đi là không thể tránh khỏi.

“Tôi nghĩ phần lớn nhà đầu tư sẽ nhìn nhận WeWork như là một công ty bất động sản với nền tảng công nghệ tốt, nhưng về cơ bản vẫn là công ty bất động sản”, Meghan Morris, phóng viên tài chính của Business Insider, nhận định.

{keywords}
Sau tất cả những hào nhoáng, WeWork chỉ là một công ty bất động sản với nền tảng công nghệ tốt. Ảnh: WeWork

Bình tĩnh lại và bỏ qua yếu tố công nghệ, tình hình kinh doanh của WeWork không hề khả quan. Công ty đã lỗ liên tục 3 năm qua với con số ngày càng lớn hơn. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, họ đã lỗ 1,37 tỷ USD, gần bằng số lỗ cả năm 2018 là 1,6 tỷ USD.

Suy cho cùng, mọi nhà đầu tư đều tìm kiếm lợi nhuận. Công nghệ cũng chỉ là một yếu tố đảm bảo lợi nhuận lớn ở tương lai xa. Khi bong bóng đang lớn lên, nhiều nhà đầu tư có thể bị mờ mắt bởi yếu tố công nghệ. Nhưng khi quả bóng đã xì, câu chuyện của WeWork có thể kéo theo sự thận trọng của cả giới đầu tư.

"Những nhà đầu tư bỏ tiền mua tương lai, vậy hãy giúp họ vẽ ra tương lai. Bạn có thể làm điều đó với Pinterest, nhưng bó tay với WeWork, Uber hay Lyft", nhà phân tích Rett Wallace của Triton Research bình luận.

"Nhiều người sợ rằng đây sẽ là bong bóng tương tự năm 1999 và 2000. Nhưng các nhà đầu tư đã tỉnh táo hơn”, nhà phân tích Kathleen Smith của Renaissance Capital cho biết.

Theo Zing

TikTok của Trung Quốc vượt Uber thành start-up lớn nhất thế giới

TikTok của Trung Quốc vượt Uber thành start-up lớn nhất thế giới

Giá trị của TikTok hiện đã đạt mức 75 tỷ USD, điều này giúp ứng dụng chia sẻ video đến từ Trung Quốc vượt qua Uber để trở thành công ty khởi nghiệp số 1 thế giới.