Chuối đang bị tấn công bởi một bệnh dịch lây lan khắp toàn cầu, đe dọa toàn bộ ngành xuất khẩu chuối của Nam Mỹ, châu Á, châu Phi.

Bệnh dịch này có tên khoa học là "bệnh Panama" hoặc "héo vàng do nấm" đã lây lan từ châu Á sang Úc, châu Phi và Trung Đông trong một thời gian rất ngắn. Nó ảnh hưởng đặc biệt đến giống chuối biến đổi gene Cavendish, loại chuối rất ưa chuộng và phổ biến ở phương Tây.

{keywords}
Chuối đang hứng chịu sự tấn công của đại dịch Panama

Ngành công nghiệp xuất khẩu chuối đang lo lắng tới mức quyết định chuyển địa điểm tổ chức Đại hội Ủy ban Chuối quốc tế từ Costa Rica sang Miami vào phút chót, để những quan khách tham dự không mang theo mầm bệnh (dính dưới gót giày của họ). Mỹ La tinh hiện là nguồn cung cấp chuối chủ lực cho Bắc Mỹ và châu Âu, CNN cho hay.

Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc trong tháng này cũng cảnh báo rằng ngành công nghiệp xuất khẩu chuối trị giá 36 tỷ USD cần phải hành động để "đối phó với một trong những bệnh dịch hủy diệt nhất thế giới". Trước đây, trong thập niên 60, một đợt bùng phát của bệnh dịch Panama cũng từng xóa sổ giống chuối Gros Michel phổ biến nhất khi ấy. Các nhà sản xuất đã lựa chọn giống chuối Cavendish để thay thế, bởi Cavendish tuy chất lượng không bằng nhưng lại kháng được dịch Panama.

Nhưng có vẻ như sức đề kháng của Cavendish đã suy yếu, hoặc là nấm gây dịch Panama đã tiến hóa mạnh hơn. Các nhà khoa học và người trồng chuối cần cân nhắc giống chuối mới có thể thay thế Cavendish để phòng trường hợp xấu nhất, do đợt bùng phát hiện tại đã khiến các trang trại chuối tại châu Á hoàn toàn sụp đổ.

Đài Loan đã tạo ra một số giống chuối Cavendish "đột biến" và đang trồng thử tại Philippines, Trung Quốc, bà Inge Van Den Berge, một chuyên gia cấp cao về chuối tại Đại học sinh hóa Quốc tế (Bỉ) cho biết. "Kết quả ban đầu rất hứa hẹn", song chúng chưa có vị ngon lắm và cũng chưa phù hợp với việc vận chuyển đường dài. "Hiện vẫn chưa có giải pháp tối thượng nào cả", bà thừa nhận.

Giá bán chuối tại các cửa hàng thực phẩm ở Mỹ và châu Âu vẫn chưa tăng, do nguồn hàng ở Mỹ Latinh vẫn còn dồi dào. Nhưng tình hình có thể sớm thay đổi nếu như bệnh dịch Panama lan tới Nam Mỹ, bà Van den Bergh cảnh báo. Các nước đang phát triển là nơi chịu nguy cơ cao nhất về phát tán dịch, bởi mầm bệnh có thể nằm yên trong đất tới 40 năm. Hàng tỷ USD và hàng tỷ tấn thực phẩm đang bị đe dọa, hơn nữa việc trồng các giống chuối mới cũng rất tốn kém.

T.C