Chiều ngày 2/2, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh Thừa Thiên Huế đã kêu gọi các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tiếp tục tạo mã QR.

Cùng với đó, ông kêu gọi mọi người dân Thừa Thiên Huế cài và sử dụng ứng dụng Hue-S để quét QR các điểm đến nhằm hỗ trợ công tác truy vết dịch bệnh Covid-19 trong trường hợp phát hiện ca nhiễm trên địa bàn: “Mỗi người dân là chiến sĩ, mỗi cơ quan, đơn vị là một pháo đài, với Hue-S và mã QR nơi đến là vũ khí phòng chống dịch”.

Thừa Thiên Huế triển khai giải pháp quản lý dịch bệnh Covid-19 bằng mã QR

Hue-S là ứng dụng trên nền di động đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tích hợp, cung cấp các dịch vụ đô thị thông minh. Ứng dụng được kết nối đồng bộ với Cổng thông tin dịch vụ đô thị thông minh. Tính đến nay, đã có trên 350.000 người dân trong tỉnh cài ứng dụng Hue-S.

Để phát huy hiệu quả của ứng dụng Hue-S vốn đã được nhiều người dân Thừa Thiên Huế quen sử dụng, từ ngày 27/1, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã khởi động triển khai giải pháp quản lý dịch bệnh Covid-19 bằng mã QR. Giải pháp hướng tới mục tiêu góp phần phòng chống dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng và bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân đón Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn; các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế triển khai giải pháp QR (mã thông tin phản hồi) trước 5/2/2021 để quản lý tình hình di chuyển, truy vết người nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh Covid-19.

Theo hướng dẫn của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, tất cả các cơ quan, đơn vị, trung tâm thương mại, chợ, cơ sở khám chữa bệnh, trường học, hộ kinh doanh… đều đặt bảng QR theo quy định của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh.

Trong văn bản gửi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn về việc triển khai  giải pháp quản lý dịch bệnh bằng mã QR, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng giao rõ đầu mối chủ trì thực hiện.

Cụ thể, Sở Y tế chủ trì triển khai giải pháp tại các cơ sở khám chữa bệnh, Sở GD&ĐT chủ trì triển khai giải pháp tại các cơ sở giáo dục; Sở Du lịch chủ trì triển khai giải pháp tại các cơ sở lưu trú; Sở Công thương chủ trì triển khai giải pháp tại các trung tâm thương mại, chợ, các doanh nghiệp, các điểm kinh doanh trên địa bàn; Sở Giao thông vận tải tổ chức triển khai giải pháp tại các điểm bến xe, nhà ga, cảng hàng không.

UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế có trách nhiệm tổ chức triển khai giải pháp cho những đơn vị trực thuộc, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Đại học Huế tổ chức triển khai giải pháp tại các cơ sở đào tạo trực thuộc trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khi tổ chức sự kiện đông người cần chủ động áp dụng giải pháp này để kiểm soát mọi thành phần tham dự.

Thừa Thiên Huế triển khai giải pháp quản lý dịch bệnh Covid-19 bằng mã QR
Thừa Thiên Huế triển khai giải pháp quản lý dịch bệnh Covid-19 bằng mã QR
Đến nay, có hơn 700 đơn vị trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã tạo mã QR phục vụ việc triển khai giải pháp quản lý dịch bệnh.

Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên Huế là đơn vị chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin, hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật cho các đơn vị trong quá trình triển khai giải pháp quản lý dịch bệnh Covid-19 bằng mã QR.

Trao đổi với ICTnews vào chiều ngày 2/2, ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, đến nay đã có hơn 700 đơn vị triển khai tạo mã và hơn 8.600 lượt quét QR. Việc này sẽ giúp cho công tác truy vết khi có dịch xảy ra được nhanh chóng, hiệu quả và kịp thời. Chúng tôi mong muốn cùng với các giải pháp của Chính phủ, đây cũng sẽ là một giải pháp để tăng tính hiệu quả và phản ứng nhanh với các trường hợp xảy ra”.

Trên thực tế, từ khi bắt đầu có dịch Covid-19 hồi đầu năm ngoái cho đến nay, các giải pháp công nghệ đã hỗ trợ đắc lực công tác phòng chống dịch, góp phần vào thành công của Việt Nam trong việc kiềm chế sự lây lan dịch, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Có thể kể đến một số ứng dụng tiêu biểu đã và đang hỗ trợ tích cực công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như phần mềm khai báo y tế tự nguyện (NCOVI), phần mềm khai báo y tế bắt buộc cho người nhập cảnh (Vietnam Health Declaration), ứng dụng Bluezone phát hiện tiếp xúc gần người nhiễm, nghi nhiễm Covid-19, bản đồ chung sống an toàn với Covid (AntoanCovid.vn)...

Vân Anh

Cách khai báo online nếu nghi nhiễm hoặc biết người nghi nhiễm Covid-19

Cách khai báo online nếu nghi nhiễm hoặc biết người nghi nhiễm Covid-19

Trong trường hợp tự cảm thấy có triệu chứng nhiễm Covid-19 hoặc phát hiện người về từ vùng dịch, người dân có thể chủ động khai báo với cơ quan chức năng để tiến hành xử lý.