Trong một hang động của Slovenia, vốn thu hút tới một triệu du khách tham quan mỗi năm, một động vật lưỡng cư kỳ lạ và hiếm gặp đang bảo vệ một ổ trứng lớn.

Manh giông, một loài kỳ nhông mù có danh pháp khoa học là Proteus anguinus, sinh trưởng tự nhiên trong các hang hốc dưới sông ở vùng Balkan, được cho là sống thọ tới hơn 100 năm, nhưng chỉ sinh sản 1 - 2 lần mỗi thập niên.

Một con manh giông cái trong thủy cung ở khu hang động Postojna, Slovenia, đã đẻ khoảng 50 - 60 trứng và 3 trong số đó hiện đang có dấu hiệu lớn lên. Không ai biết rõ sẽ có bao nhiêu trứng của manh giông, hay còn được biết đến như loài rồng mù Slovenia, sẽ nở hay chính xác là quá trình đó kéo dài bao lâu.

Nhà sinh vật học Saso Weldt cùng các đồng nghiệp đang làm việc tại khu hang động đã dùng thiết bị chuyên dụng ghi hình trong bóng tối nhằm tóm bắt bằng chứng về sự phát triển của các bào thai tí hon.

Theo chuyên gia Weldt, manh giông mẹ bắt đầu đẻ trứng hôm 30/1. Nó hiện vẫn đang tiếp tục đẻ 1 - 2 quả trứng mỗi ngày. Những quả trứng này có thể cần tới 120 ngày mới ấp nở - một con số phỏng đoán không chắc chắn, dựa vào một đàn manh giông được tạo lập vào những năm 1950 trong một phòng thí nghiệm ngầm dưới đất ở dãy núi Pyrenees của Pháp. Ở đó, chúng sống trong nước ấm hơn, ở 11 độ C. Do nước ở vùng hang động Postojna mát hơn, 9 độ C, nên quá trình ấp nở trứng có thể kéo dài hơn.

Sự kiện rồng mù đẻ trứng ở Postojna được đánh giá là một cơ hội độc nhất vô nhị để quan sát loài động vật quý hiếm này sinh sản ở cùng khu hang động mà nó đã sống suốt cả trăm năm qua.

"Nếu các manh giông con nở ra và phát triển khỏe mạnh, đó sẽ là điều rất đỗi kinh ngạc. Ngoài tự nhiên hoang dã, chúng tôi chưa bao giờ tìm thấy trứng hoặc ấu trùng của chúng. Chúng có thể ẩn giấu bên trong một số địa điểm rất đặc biệt trong các hệ thống hang động", tiến sĩ Dusan Jelic, một thành viên thuộc Hiệp hội động vật học London, nhận định.

Năm 2013, một cá thể cái khác trong số rồng mù nuôi nhốt ở Postojna đẻ trứng, nhưng không quả trứng nào ấp nở thành công và phần lớn chúng đã bị các manh giông khác trong bể ăn mất. Lần này, các nhà nghiên cứu đã áp dụng các biện pháp phòng ngừa sự cố tương tự. Ngoại trừ manh giông mẹ, mọi cá thể cùng loài khác được đưa đi nơi khác. Bể nuôi cũng được che kín để bảo vệ trứng trước sự tiếp xúc ánh sáng. Oxy được cho tăng thêm.

Một camera hồng ngoại cung cấp video truyền trực tiếp tới một màn hình gần bể nuôi để các nhà nghiên cứu cũng như du khách có thể quan sát những gì đang diễn ra trong thực tế.

Manh giông mẹ gần như không cử động. Song, nó thỉnh thoảng có dịch chuyển để kiểm tra trứng hoặc đẻ thêm trứng hay né tránh các động vật giáp xác nhỏ, háu ăn mà nó không thể nhìn thấy, nhưng có thể phát hiện được nhờ sử dụng các bộ phận nhạy cảm điện trong mũi.

Theo chuyên gia Weldt, loài động vật này cũng có khứu giác rất nhạy, giúp nó nhận ra quả trứng nào còn sống hoặc đã chết qua mùi. Và vì thức ăn vô cùng khan hiếm trong hệ thống hang động, manh giông mẹ sẽ ăn những quả trứng không được thụ tinh.

Tuấn Anh (Theo BBC)

XEM CÁC TIN CÔNG NGHỆ MỚI NHẤT: