Một vụ kiện vào cuối tuần qua cáo buộc Google đã ép buộc các hãng điện thoại phải sử dụng Google làm công cụ tìm kiếm mặc định trên smartphone và máy tính bảng Android, khiến cho giá thành sản phẩm bị đội lên và gây thiệt hại về kinh tế cho người dùng.

{keywords}
Galaxy S3 của Samsung là một trong hai ví dụ được dẫn ra về việc giá thành bị đội lên vì thỏa thuận ngầm với Google

Đơn khiếu nại được nộp lên Tòa án quận Bắc California (Mỹ), ám chỉ Google đã xây dựng các thỏa thuận bí mật với nhà sản xuất, yêu cầu họ phải cài sẵn những ứng dụng như YouTube và Google Play trên máy, cùng như dành vị trí chủ chốt trên màn hình thiết bị cho những ứng dụng kể trên.

Có vẻ như các hãng phần cứng buộc phải ký kết thỏa thuận bí mật này với Google (có tên là MADA - Thỏa thuận phân phối ứng dụng di động), vì họ nghĩ rằng người dùng mong đợi sử dụng trọn bộ ứng dụng Google khi bỏ tiền ra mua thiết bị Android. Chính sức mạnh thị trường mà Google nắm trong tay đã "ép" họ phải đặt bút ký, đơn kiện lập luận.

"Do quyền lực mà Google có được tại thị trường Mỹ, hãng cũng có được quyền lực vô đối khi làm việc cùng các hãng sản xuất smartphone và máy tính bảng", bên nguyên tố cáo. Theo họ, các thiết bị Android lẽ ra sẽ rẻ hơn nếu như đối thủ của Google có được vị thế cạnh tranh công bằng, thông qua việc thỏa thuận với các hãng sản xuất.

Đơn kiện cũng đưa ra hai ví dụ điển hình của việc ký MADA giữa Google với Samsung và HTC, theo đó, người dùng đã phải trả quá nhiều tiền cho dòng máy HTC Evo 3D và Samsung Galaxy S3 do "cam kết ngầm" giữa các bên với nhau. Không rõ ngoài hai dòng sản phẩm kể trên thì còn có những model Android nào cũng nằm trong khuôn khổ thỏa thuận MADA nữa hay không.

Về phần mình, Google tuyên bố "bất cứ ai cũng có thể sử dụng Android mà không dùng đến các ứng dụng của Google và ngược lại, ai cũng có thể sử dụng Google mà không bị ép dùng Android. Kể từ khi Android ra mắt, thị trường smartphone rõ ràng là đã có sự cạnh tranh đáng kể và người dùng có được nhiều lựa chọn hơn, với giá thành thấp hơn".

Điều mà Google không đề cập là trước vụ kiện này, hãng đã từng bị cơ quan tư pháp của Ủy ban châu Âu và Mỹ "soi" nhiều lần về cách thức quảng bá các dịch vụ của mình. Hồi tháng hai, Google đã phải dàn xếp một vụ kiện chống độc quyền với Ủy ban châu Âu, đồng ý hiển thị rõ hơn kết quả tìm kiếm của các dịch vụ đối thủ cũng như hiển thị hình ảnh đính kèm với đường link đối thủ một cách rõ ràng hơn.

Tháng 1/2013, Google cũng phải giải quyết một đơn kiện chống độc quyền tương tự, nhưng lần này đơn vị thụ án là Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ.

Y Lam