Ngày 8/10, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân cán bộ trẻ ngành Năng lượng nguyên tử. Hội nghị được tổ chức hai năm một lần nhằm xây dựng đội ngũ nghiên cứu trẻ cho ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam.

Hội nghị lần này có sự góp mặt của 63 báo cáo viên đến từ các đơn vị trực thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và các đơn vị ngoài Viện như Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM.

{keywords}
Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân cán bộ trẻ ngành Năng lượng nguyên tử. Ảnh: Trọng Đạt

Tại phiên toàn thể của hội nghị, các nhà khoa học đã chia sẻ tóm tắt các kết quả nghiên cứu về vật lý hạt nhân cơ bản của Việt Nam. Trong đó, nổi bật hơn cả là công trình nghiên cứu điều chế thuốc phóng xạ 32P-Chromic phosphate tại lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. 

Trên thế giới hiện có 243 lò nghiên cứu phản ứng hạt nhân đang hoạt động. Tại khu vực Đông Nam Á, có tổng cộng 6 nghiên cứu phản ứng hạt nhân. Trong đó, có 3 lò đặt tại Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Malaysia mỗi nước sở hữu 1 lò. 

Tại Việt Nam, Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt được khởi công xây dựng vào năm 1960 và đi vào hoạt động chính thức năm 1984. 

{keywords}
Ông Trần Chí Thành - Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam nói về ý nghĩa của việc đào tạo cán bộ giỏi vè công nghệ nguyên tử. Ảnh: Trọng Đạt

Theo nhà nghiên cứu Phạm Thành Minh (Viện nghiên cứu hạt nhân), nhóm nghiên cứu của ông đang điều chế thuốc phóng xạ 32P-Chromic phosphate tại Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Đây là loại dược liệu có thể ứng dụng trong việc điều trị cho các bệnh nhân ung thư.

Báo cáo cho thấy, thuốc phóng xạ dạng hạt keo 32P-Chromic phosphate được tổng hợp trên Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt bằng cách sử dụng phương pháp tin học để nghiên cứu tối ưu hóa các thông số thí nghiệm tổng hợp. 

{keywords}
Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt.

Công trình này đã được kiểm chứng bằng kết quả nghiên cứu thực nghiệm. Theo đó, nhóm nghiên cứu đã tổng hợp ra được keo phóng xạ 32P-Chromic phosphate đạt hiệu suất tổng hợp (86,3%), các chỉ tiêu về độ sạch hạt nhân (99,9%), độ tinh khiết hóa phóng xạ (99,5%), nội độc tố vi khuẩn (0,066 EU/ml/kg) và sản phẩm đạt vô khuẩn. 

Với kết quả này, keo phóng xạ 32P-Chromic phosphate đảm bảo được chất lượng theo các tiêu chuẩn của dược điển Mỹ 35 trong ứng dụng điều trị ung thư.

Đây chỉ là một trong số những công trình khoa học được các nhà nghiên cứu trình bày tại Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân cán bộ trẻ ngành Năng lượng nguyên tử. Các phiên thảo luận sâu hơn sẽ kéo dài đến hết ngày 9/10 tại Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam. 

Trọng Đạt