Theo thông tin VietNamNet đã đưa, Việt Nam đã thành công trong việc phát triển một loại robot hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19. Đây là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trẻ thuộc Học viện Kỹ thuật Quân sự (Bộ Quốc Phòng). 

Mẫu robot có tên gọi Vibot này hiện đã có phiên bản đầu tiên là Vibot-1a. Đây là những thiết bị mô phỏng robot TUG của hãng Aethon (Mỹ) với khả năng vận chuyển bệnh phẩm, các trang thiết bị vật tư y tế. 

{keywords}
Phiên bản đầu tiên của Vibot với tên gọi Vibot-1a. Đây là robot được Việt Nam phát triển nhằm hỗ trợ việc phòng chống dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, Vibot-1a còn có thể trở thành một công cụ giao tiếp, thăm khám bệnh từ xa giữa bác sĩ, người thân với người bệnh thông qua hệ thống cảm biến âm thanh, hình ảnh và một trung tâm giám sát, điều khiển từ xa. 

Mỗi robot Vibot-1a có thể thay thế được 3-5 nhân viên y tế, từ đó giúp họ tránh được khả năng phơi nhiễm khi tiếp xúc với nguồn bệnh. 

Chia sẻ mới đây với báo giới, nhóm tác giả của đề tài này cho biết, hiện Vibot-1a đã được lắp đặt, chạy thử nghiệm tại môi trường thực tế và nhận được phản hồi tốt tại Bệnh viện Bắc Thăng Long, Hà Nội (nơi được quy hoạch để cách ly, điều trị các bệnh nhân Covid-19 khi dịch bùng phát).

Trong quá trình thiết kế, chế tạo Vibot, Học viện Kỹ thuật Quân sự đã phối hợp với các đơn vị có năng lực, kinh nghiệm trong và ngoài quân đội như Công ty Điện tử Sao Mai, Nhà máy Z125, Công ty cổ phần Antbot Việt Nam để cùng hoàn thiện quy trình. 

Do vậy, theo các nhà nghiên cứu của Học viện Kỹ thuật Quân sự, đơn vị này đang lên phương án chuẩn bị, sẵn sàng đầy đủ các điều kiện cho việc sản xuất các robot với số lượng lớn, đáp ứng kịp thời cho các bệnh viện, khu vực cách ly khi có yêu cầu.

{keywords}
Tính năng của Vibot-1a là vận chuyển bệnh phẩm, thức ăn, vật tư y tế. Vibot-1a cũng có khả năng hỗ trợ giao tiếp, thăm khám qua video giữa bác sĩ và người bệnh. 

Sau khi hoàn thành phiên bản Vibot-1a, đơn vị phát triển đang tiếp tục nâng cấp và cải tiến các tính năng để robot có thể hoạt động hoàn toàn tự động và thông minh hơn. Nhóm nghiên cứu hướng tới mục tiêu chế tạo được Vibot có tính năng hiện đại như robot TUG của hãng Aethon của Mỹ. 

Với triết lý một nền tảng, nhiều mục đích, Vibot còn có thể được ứng dụng rộng rãi trong công nghiệp và đời sống, phục vụ tại các tòa nhà, kho hàng tự động hoặc các phân xưởng sản xuất và các môi trường đặc biệt khác để hỗ trợ vận chuyển theo yêu cầu.

Vũ Thị Lụa