Khan hiếm chip có thể kéo dài đến 2022
 

GlobalFoundries, công ty gia công bán dẫn lớn thứ ba thế giới, lên kế hoạch đầu tư 1,4 tỷ USD cho các nhà máy chip năm nay và tăng gấp đôi vào năm sau, theo CEO Tom Caulfield. Ông cho biết, tất cả nhà máy đều đang hoạt động 100% công suất và cố gắng bổ sung công suất nhanh nhất có thể. Ông dự đoán, nguồn cung thị trường bán dẫn còn thiếu hụt đến năm 2022 hoặc hơn.

Khan hiếm chip đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng trên toàn cầu, sản xuất xe hơi bị đình trệ và tác động xấu tới hoạt động của các hãng điện tử tiêu dùng lớn nhất. Nó làm nổi bật vai trò của một số ít các công ty gia công. Những hãng như GlobalFoundries đang đổ tiền tấn vào dây chuyền sản xuất mới và nâng cấp thiết bị nhằm bắt kịp nhu cầu tăng đột biến.

GlobalFoundries là công ty gia công chip lớn nhất có trụ sở tại Mỹ. Nhà máy của họ đặt ở Mỹ, Đức và Singapore, chỉ sản xuất bán dẫn do các thương hiệu như AMD, Qualcomm và Broadcom thiết kế. Đây là công ty tư nhân thuộc sở hữu của Tiểu vương quốc Abu Dhabi.

Dù vậy, xét trên phạm vi toàn cầu, GlobalFoundries vẫn tương đối nhỏ, chỉ chiếm 7% thị phần, theo hãng nghiên cứu TrendForce. TSMC của Đài Loan là cái tên sừng sỏ nhất với 54% thị phần. Công ty vừa công bố kế hoạch đầu tư 100 tỷ USD trong ba năm tiếp theo để tăng công suất.

Trước đó, Intel – công ty sản xuất và thiết kế chip riêng – tuyên bố sẽ gia công chip cho khách hàng bên ngoài. Họ sẽ đầu tư 20 tỷ USD vào các nhà máy tại Mỹ.

Ông Caulfield không cho rằng, Intel là đối thủ mới. Điểm khác biệt quan trọng giữa hai hãng nằm ở công nghệ. Intel nổi tiếng với công nghệ hiện đại, sản xuất các con chip có bóng dẫn nhỏ nhất với mật độ dày đặc, dành cho vi xử lý máy tính hay smartphone. Tuy nhiên, thứ mà thị trường đang thiếu, đặc biệt với ngành xe hơi, lại không cần tới công nghệ sản xuất tiên tiến như vậy.

GlobalFoundries chuyên sản xuất các con chip được thiết kế để kích hoạt tính năng cụ thể, chẳng hạn chip để thanh toán không chạm, quản lý năng lượng pin, trình điều khiển màn hình cảm ứng. Ban đầu, chúng được dùng trong smartphone, song nay có mặt trong hàng loạt sản phẩm khác, từ xe tới đồ gia dụng, làm nhu cầu tăng vọt.

Song, phần lớn tiền đầu tư của các hãng gia công chip đều dành để phát triển con chip hiện đại nhất, nhanh nhất. Tất cả đã thay đổi từ năm 2020 khi dịch bệnh hoành hành, dẫn đến doanh số thiết bị điện tử như laptop, màn hình, máy chơi game tăng mạnh để phục vụ nhu cầu làm việc, học tập ở nhà.

Các sản phẩm này cần nhiều chip bổ sung, không chỉ vi xử lý, khởi nguồn cho tình trạng khan chip, nhấn mạnh nhu cầu tăng công suất chip “giàu tính năng”, theo ông Caulfield. Smartphone và máy tính cũng cần thêm nhiều chip khác để kết nối 5G.

GlobalFoundries cảnh báo, phải mất nhiều tháng mới có thể tăng số lượng chip trên thị trường. Dù vậy, đây là khoản đầu tư dài hạn. Trước dịch Covid-19, ngành bán dẫn dự đoán tăng trưởng 5% hàng năm trong 5 năm. Song, ông Caufield dự đoán tỉ lệ sẽ tăng gấp đôi.

Du Lam (Theo CNBC)

Sản lượng của Renesas sụt giảm ảnh hưởng nguồn cung chip toàn cầu

Sản lượng của Renesas sụt giảm ảnh hưởng nguồn cung chip toàn cầu

Sự cố tại nhà máy của Renesas đã gây thêm áp lực lên ngành chip giữa lúc nguồn cung chất bán dẫn trên toàn cầu đang bị thiếu hụt trầm trọng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất.