- Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phạm Công Tạc thẳng thắn khi nói về sự cố mất nguồn phóng xạ tại tỉnh Bắc Kạn trong cuộc họp báo sáng nay, 7/1.

Theo ông Tạc, trong thời gian qua, đã xảy ra nhiều vụ mất nguồn phóng xạ tại nhiều địa phương như TP HCM (9/2014) hay tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (4/2015).

“May là vụ mất nguồn phóng xạ tại TP HCM là do trộm lấy cắp bán cho đồng nát. Nếu rơi vào tay kẻ phá hoại sẽ gây ra nguy hại lớn về an ninh, chính trị”, ông Tạc nói.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc. Ảnh: Lê Văn.

Tuy nhiên, ông Tạc cũng cho rằng, hiện nay các nguồn phóng xạ sử dụng trong nông nghiệp, công nghiệp, y tế ngày càng nhiều. Do đó, công tác quản lý ngày càng khó khăn hơn.

Chưa tìm thấy

Tại cuộc họp báo, ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn Bức xạ hạt nhân, Bộ KHCN cho biết, ngay sau khi xác nhận nguồn phóng xạ tại Công ty Cổ phần Xi măng Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn cũng đã khởi động kế hoạch ứng phó sự cố, thành lập tổ công tác chỉ đạo công tác tìm kiếm.

Ông Tấn cũng cho rằng, nguồn phóng xạ bị thất lạc tại Bắc Kạn có giá trị không cao, khi mua cũng chỉ có giá 6 triệu đồng. Do vậy, người lấy có thể chỉ nhằm bán phế liệu vỏ chì bên ngoài. Từ đó, phương án tìm kiếm được tập trung vào các cơ sở thu mua phế liệu hoặc các cơ sở đúc chì, tái chế sắt thép trên địa bàn.

Phía Cục ATBXHN cũng đã hỗ trợ tỉnh Bắc Kạn thiết bị hiện đại nhất vừa được Hoa Kỳ giao vào tháng 5/2015 để phục vụ việc tìm kiếm, thu hồi nguồn phóng xạ. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, nguồn phóng xạ bị thất lạc vẫn chưa được tìm thấy.

Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Tấn cũng cho biết, khả năng thu hồi nguồn phóng xạ bị thất lạc tại Bắc Kạn là không cao. Tuy nhiên, nguồn phóng xạ này có hoạt động phóng xạ thấp, không nguy hiểm tới sức khỏe, tính mạng khi tiếp xúc gần.

{keywords}
Nguồn phóng xạ bị thất lạc tại Bắc Kạn. Ảnh: Sở KHCN Bắc Kạn.

Gắn thiết bị giám sát từ 1/4

Ông Tấn cũng cho biết, để quản lý tốt hơn các nguồn phóng xạ đang được sử dụng, đặc biệt là nguồn phóng xạ nguy hiểm, có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe, từ 1/4 tới, các nguồn phóng xạ sẽ được gắn thiết bị giám sát để theo dõi chặt chẽ.

Tuy nhiên, chỉ có khoảng 600 nguồn phóng xạ với hoạt độ cao (từ vài chục Curie) được gắn thiết bị giám sát. Còn khoảng hơn 3.000 nguồn phóng xạ không nguy hại (tương tự nguồn phóng xạ tại Bắc Kạn) sẽ không được gắn thiết bị giám sát.

Theo thông tin ông Tấn cung cấp, hiện tại Việt Nam có khá nhiều nguồn phóng xạ đã qua sử dụng nhưng chưa có kho lưu trữ tập trung, hầu hết đều được lưu giữ tại các cơ sở sử dụng, nhiều nơi không có điều kiện lưu giữ đảm bảo.

Chỉ tính riêng ở Hà Nội, theo báo cáo của Sở KHCN đã có 35 nguồn phóng xạ đã qua sử dụng cần lưu giữ. Trong đó, có khoảng 17 nguồn phóng xạ tương tự nguồn phóng xạ bị thất lạc tại Bắc Kạn.

Theo quy định, các nguồn phóng xạ đã qua sử dụng sẽ được lưu giữ tại cơ sở trong 3 năm. Sau 3 năm đó buộc phải thu hồi, chuyển vào kho lưu giữ tập trung nhưng hiện nay, Việt Nam chưa có kho lưu giữ tập trung như vậy.

Theo ông Tấn, vừa qua, Bộ KHCN đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý nâng cấp kho nguồn lưu giữ các nguồn phóng xạ đã qua sử dụng để đảm bảo an toàn, an ninh.

“Trong năm 2016, dự kiến sẽ thu gom hết các nguồn đã qua sử dụng tại các kho cơ sở để tránh hiện tượng thất lạc như vừa qua”, ông Tấn nói.

Lê Văn (ghi)

TIN LIÊN QUAN