Một năm khó khăn cho Qualcomm vẫn chưa kết thúc khi mà mới đây, sau hàng loạt các cáo buộc pháp lý về việc lợi dụng vị thế của mình, lời kêu gọi chia tách công ty lại được nhiều cổ đông nhắc đến.

CEO của Qualcomm, ông Steve Mollenkopf đang phải đau đầu với đợt giảm giá cổ phiếu tồi tệ nhất của nhà sản xuất chip di động từ sau cuộc khủng hoảng tài chính đến giờ, xuất phát từ báo cáo doanh thu sụt giảm và các khiếu nại chống độc quyền trên toàn thế giới. Mọi việc có thể còn tệ hơn nếu ông Mollenkopf lùi bước trước áp lực của một số nhà đầu tư đòi tách Qualcomm ra làm hai.

Công ty đang cân nhắc một vài sự lựa chọn bao gồm việc tách riêng mảng sản xuất chíp và các bộ phận cấp phép công nghệ của mình. Mô hình kinh doanh kép trong nhiều thập kỷ qua đã mang lại thành công cho Qualcomm khi đem lại nguồn thu từ tiền bản quyền của các bằng sáng chế. Theo một nguồn tin thân cận cho biết, Hội đồng quản trị của nhà sản xuất chip này sẽ gặp nhau trong những ngày tới, và ra quyết định về vào cuối tuần. Hai người quen thuộc về vấn đề này cho biết, các nhà điều hành đang nghiêng về hướng giữ nguyên công ty như hiện tại, tuy nhiên họ cũng nhấn mạnh rằng, đến nay vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra.

Khó khăn chồng chất cho Qualcomm

Giá cổ phiếu của Qualcomm đã sụt giảm 36% trong năm nay, giá trị thị trường của công ty chỉ còn tương đương 71 tỷ USD, giảm đáng kể so với mức đỉnh 130 tỷ USD của năm 2014, khi Qualcomm vượt qua Intel để trở thành công ty đại chúng kinh doanh chíp lớn nhất nước Mỹ.

{keywords}

Biểu đồ giá cổ phiếu của Qualcomm trong năm 2015.

Một phần nguyên nhân do việc tăng trưởng doanh thu của Qualcomm đã chững lại từ cuối năm ngoái, khi công ty bị mất đi các đơn hàng từ Samsung Electronics và các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc trì hoãn việc thanh toán tiền phí bản quyền. Việc Samsung chuyển sang sử dụng chip Exynos của riêng mình cho dòng điện thoại cao cấp Galaxy, gần như đã phá vỡ vị trí thống trị của Qualcomm trên thị trường chip kết hợp giữa bộ vi xử lý với modem kết nối mạng tốc độ cao.

Các thách thức còn tăng thêm khi Apple, vốn chỉ sử dụng modem kết nối mạng giá rẻ của Qualcomm để kết hợp với bộ xử lý của riêng mình, đã chiếm lĩnh phần lớn thị phần dòng điện thoại cao cấp từ các công ty nhỏ hơn nhưng sử dụng nhiều chip Qualcomm hơn. Ngoài ra công ty còn đang bị điều tra các cáo buộc vi phạm về việc lợi dụng vị thế của mình tại nhiều quốc gia trên ba châu lục.

Đầu năm nay, Qualcomm đã phải đóng tiền phạt để giải quyết một vụ điều tra chống độc quyền ở Trung Quốc, để có thể tiếp tục việc kinh doanh bản quyền tại thị trường smartphone lớn nhất thế giới này. Khi đặt ra mức phạt 975 triệu USD, Ủy ban cải cách và phát triển Trung Quốc cho rằng phí bản quyền của Qualcomm quá cao, cũng như công ty đã lợi dụng vị thế thống trị của mình để ép khách hàng phải chấp nhận các điều kiện của họ.

Quan trọng hơn, cơ quan này vẫn cho phép Qualcomm tiếp tục thu phí bản quyền dựa trên giá của điện thoại, thay vì buộc công ty đổi sang dùng chi phí sản xuất chip làm cơ sở tính giá (phương pháp tính giá này sẽ làm giảm số tiền Qualcomm thu được khoảng 20 lần). Tuy nhiên, việc đàm phán với các nhà sản xuất thiết bị của Trung Quốc đã kéo dài hơn dự kiến của công ty, kéo theo việc trì hoãn trong thanh toán tiền bản quyền của các đối tác này.

Trong khi đó tại Hàn Quốc, nơi có Samsung, khách hàng lớn thứ hai của mình, Qualcomm cũng bị cáo buộc vi phạm pháp luật. Quốc gia này cũng đang xem xét buộc công ty phải chuyển cách tính phí bản quyền sang dựa trên chi phí sản xuất thay vì số lượng chíp bán ra. Ngoài ra, trong khi Đài Loan cũng đã bắt đầu một cuộc điều tra với công ty này, Bộ Tư pháp Mỹ cũng đang xem xét các hoạt động của Qualcomm. Thêm vào đó, Liên minh châu Âu EU cũng cáo buộc mảng kinh doanh chipset của công ty này đã chi tiền cho khách hàng để họ không sử dụng sản phẩm của đối thủ cạnh tranh với Qualcomm.

Áp lực chia tách công ty

Dù Qualcomm phủ nhận bất kỳ hành vi sai trái nào và cho biết sẽ giành lợi thế ở bất kỳ nơi nào họ phải đối mặt với các thách thức pháp lý, nhưng việc liên tiếp nhận được các cáo buộc này làm cho một số cổ đông lập luận rằng, các nhà hành pháp sẽ nhẹ tay hơn nếu Qualcomm từ bỏ một phần địa vị thống trị của mình trên thị trường chip smartphone bằng cách tách làm hai.

{keywords} 

Ý tưởng về việc chia tách Qualcomm đã được nhen nhóm từ đầu năm nay bởi các nhà vận động đến từ quỹ đầu tư Jana Partners LLC. Quỹ này đã mua toàn bộ cổ phiếu của Qualcomm trên thị trường để trở thành quỹ đầu tư nắm giữ nhiều cổ phiếu nhất. Vào tháng Bẩy vừa qua, đại diện của Jana Partners cũng đưa ra thông báo xem xét lại chiến lược của công ty, dẫn đến việc cắt giảm 15% lao động và thay đổi ban quản trị.

“Các Ủy ban thương mại trên toàn thế giới xem Qualcomm như một công ty thông đồng với nội bộ của mình” Mike Green, nhà quản lý quỹ tại American Money Management cho biết. “Qualcomm nên tách riêng mảng kinh doanh bản quyền để giải phóng giá cổ phiếu và nhẽ ra họ nên làm điều đó nhiều tháng trước đây.” Ông Green đã giảm lượng cổ phiếu nắm giữ ở Qualcomm chỉ còn 3% trong danh mục của mình, so với mức đỉnh hơn 40% vào năm 1999.

Nhà sản xuất chip di động lớn nhất thế giới thu được phần lớn lợi nhuận từ việc thu tiền bản quyền các bằng sáng chế mà công ty phát triển, vốn đang là những tiêu chuẩn cơ bản cho mọi hệ thống điện thoại hiện đại. Trong khi đó, phần lớn doanh thu của Qualcomm, đến từ việc bán các bộ vi xử lý và modem internet trên điện thoại thông minh. Dòng tiền thu được từ bản quyền sáng chế - vốn lên đến 6,8 tỷ USD trước thuế trong năm tài chính gần đây – giúp tài trợ kinh phí cho các nghiên cứu và phát triển cho bộ phận chip, sẽ quay trở lại tạo ra các bằng sáng chế mới cho mảng kinh doanh bản quyền này.

“Tồn tại hai mảng kinh doanh sẽ không làm tốt hơn việc tách riêng ra” nhà quản lý quỹ Daniel Morgan của công ty Synovus Securities Inc. cho biết. Việc phân tách Qualcomm thành các bộ phận – giữa các sản phẩm phụ và kế hoạch – có mối quan hệ cộng sinh với nhau, tương tự trường hợp của các công ty khác như Hewlett Packard, Ebay và Yahoo, sẽ ít nhiều hợp lý hơn với Qualcomm, ông Morgan cho biết.

Tuy nhiên, những người khác lập luận rằng ban điều hành cần can đảm duy trì mô hình hiện tại, vốn đã giúp Qualcomm trở thành trung tâm công nghệ cho sự phát triển bùng nổ của internet trên di động, giúp tăng gấp đôi doanh số từ những năm 2010. Họ cho rằng hai mảng kinh doanh của công ty gắn bó rất chặt chẽ để có thể tách ra đứng riêng rẽ, và các luật sư của Qualcomm vẫn thường giành chiến thắng trong cuộc đấu pháp lý với các nhà hành pháp cũng như công ty đối thủ trước đây.

Cuộc chiến pháp lý dai dẳng

Hai người tiền nhiệm của ông Mollenkopf – nhà sáng lập Irwin Jacobs và con trai ông Paul – đều đã phải đối mặt với những trận chiến pháp lý kéo dài để đưa công nghệ CDMA được chấp nhận trên toàn thế giới, sau đó tiếp tục đánh bại các thách thức pháp lý từ đối thủ, những người không muốn trả cho Qualcomm tiền sử dụng công nghệ này. Chủ tịch hiện tại của Qualcomm, Derek Aberle, là người đứng đầu nhóm pháp lý đã giành chiến thắng trong hầu hết các tranh chấp pháp lý mà công ty đối mặt.

{keywords} 

“Đây không phải lần đầu tiên trong lịch sử của mình, họ gặp phải các rào cản pháp lý” ông Sid Parakh, nhà quản lý quỹ tại Becker Capital Management, một cổ đông của Qualcomm cho biết. “Các vấn đề về cạnh tranh trên thị trường chip xử lý luôn giống nhau, chỉ có các cái tên là thay đổi.”

Ông Parakh cũng đánh giá rằng, việc sụt giảm giá trị thị trường vào thời điểm này của Qualcomm phần nào phản ánh niềm tin rằng các nhà điều hành của Qualcomm sẽ chọn cách giữ nguyên các bộ phận của công ty. Mức giá này không phản ánh giá trị của doanh nghiệp và số tiền mặt 31 tỷ USD mà họ có trên sổ sách. Ông cũng hy vọng Qualcomm sẽ tìm ra cách nào đó để tách công ty ra nhưng vẫn duy trì được mối quan hệ chặt chẽ giữa các bộ phận nhằm chia sẻ chi phí nghiên cứu – đây dường như là một nhiệm vụ rất khó khăn cho ban điều hành của công ty.

Theo Trí thức trẻ/ Bloomberg

XEM THÊM CÁC TIN CÔNG NGHỆ MỚI