Nhat Ban thong qua luat siet chat quy dinh voi cac hang cong nghe lon hinh anh 1

(Nguồn: nhk.or.jp)

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Quốc hội Nhật Bản ngày 27/5 đã thông qua luật đòi hỏi các nhà khai thác nền tảng kỹ thuật số phải minh bạch và công bằng hơn, theo đó siết chặt quy định đối với các hãng công nghệ lớn như Google, Apple, Amazon của Mỹ hay Rakuten và Yahoo Nhật Bản.

Luật về "cải thiện tính minh bạch và sự công bằng của các nền tảng kỹ thuật số" được ban hành với mục đích buộc các công ty công nghệ lớn điều chỉnh các cách thức kinh doanh không rõ ràng và chấm dứt đối xử không công bằng với các đối tác kinh doanh nhỏ.

Luật này dự kiến bắt đầu có hiệu lực sớm nhất vào mùa Xuân năm 2021, theo đó quy định các nhà khai thác nền tảng kỹ thuật số phải công khai các điều khoản hợp đồng với các đối tác kinh doanh nhỏ của họ và báo trước nếu có bất cứ thay đổi nào trong các điều khoản hợp đồng.

Luật này cũng quy định các công ty vận hành các trang web và ứng dụng thương mại điện tử phải gửi báo cáo về hoạt động kinh doanh hằng năm của công ty cho Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI).

Sau khi nhận được báo cáo, METI sẽ lấy ý kiến từ các cơ sở kinh doanh, tiến hành đánh giá và công bố kết quả. Ngoài ra, luật cũng yêu cầu các công ty công nghệ làm rõ chính sách liên quan việc xác định thứ tự kết quả tìm kiếm.

Tuy nhiên, luật trên không quy định bất cứ hình phạt nào đối với các vi phạm.

Theo giới chức Nhật Bản, mục đích là nhằm tránh cản trở sự đổi mới, sáng tạo trong một ngành thay đổi nhanh chóng này. Nếu một công ty bị xem là chưa minh bạch, METI có thể yêu cầu công ty đó phải cải thiện tình hình.

Trong những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng vi phạm Luật chống độc quyền, METI sẽ đề nghị Ủy ban Thương mại Công bằng Nhật Bản (JFTC) can thiệp.

Ngoài các trang web và ứng dụng thương mại điện tử, Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch siết chặt các quy định về quảng cáo trực tuyến.

Kết quả khảo sát của JFTC cho thấy nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ, bao gồm các cửa hàng trên các trang web và ứng dụng thương mại điện tử, đã buộc phải chấp nhận những thay đổi về quy định, trong đó có việc đơn phương tăng phí của các nhà quản lý hoặc các nhà khai thác nền tảng kỹ thuật số khác.

Bên cạnh đó, có không ít ý kiến bày tỏ quan ngại về quyền riêng tư liên quan hoạt động thu thập dữ liệu của người tiêu dùng để hiển thị các quảng cáo đã được cá nhân hóa.

Theo Vietnam+

Truyền thông Australia đòi Google, Facebook chi trả 400 triệu USD/năm

Truyền thông Australia đòi Google, Facebook chi trả 400 triệu USD/năm

Tháng trước, Australia đã đưa ra các kế hoạch nhằm buộc các công ty công nghệ lớn chia sẻ doanh thu từ quảng cáo trong nội dung tin tức trên các công cụ tìm kiếm.