Việc một số đài Truyền hình vừa sản xuất, cung cấp nội dung, vừa xây dựng mạng lưới truyền dẫn phát sóng (TDPS) truyền hình trả tiền khiến cho thị trường này nảy sinh tình trạng đặc quyền, cạnh tranh thiếu lành mạnh.


{keywords}
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Giang Phạm

Xác nhận thị trường truyền hình trả tiền trong nước đang có những biểu hiện không lành mạnh, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son khẳng định, để chấm dứt tình trạng này thì bắt buộc phải tách bạch nội dung với truyền dẫn trong thời gian tới.

Phát biểu tại Hội nghị Giao ban QLNN tháng 1/2015 chiều 2/2, Bộ trưởng cho rằng, không thể phủ nhận truyền hình trả tiền trong nước đã có nhiều phát triển, khởi sắc và thay đổi trong những năm qua, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin hấp dẫn, đặc sắc. Xu hướng chung của thế giới là truyền hình quảng bá ngày càng hạn chế, truyền hình trả tiền mạnh lên và áp đảo về số lượng. Hiện tại, đang có khoảng 75 kênh truyền hình trả tiền hoạt động tại Việt Nam, trong đó có hơn 40 kênh truyền hình nước ngoài. Trong danh sách này có rất nhiều kênh truyền hình lớn, nổi tiếng thế giới như CNN, HBO, Star Movies, Star World, NHK....

Tuy nhiên, như phản ánh trước đó của Cục trưởng Cục PTTH và Thông tin điện tử Hoàng Vĩnh Bảo, một số đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền đang trực thuộc các Đài, vốn là những đơn vị sản xuất và cung cấp nội dung. Hiển nhiên, những công ty này sẽ được nhà đài ưu ái hơn về mặt nội dung, hơn nữa nhà đài cũng không muốn bán nội dung hấp dẫn cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ độc lập như Viettel, FPT, VNPT...

"Chúng ta sẽ cần cơ chế để các đơn vị tham gia thị trường đều được hưởng quyền lợi như nhau", ông Bảo kiến nghị.

Giải pháp duy nhất, theo Bộ trưởng, chính là tách bạch nội dung và truyền dẫn, thậm chí tiến tới sau này, nhà đài sẽ không được làm truyền dẫn phát sóng nữa mà chỉ đơn thuần đảm trách nhiệm vụ sản xuất nội dung mà thôi. Khâu TDPS sẽ do các doanh nghiệp bên ngoài tiếp nhận. "Trước mắt chúng ta sẽ phải xây dựng một thị trường nội dung bình đẳng để mọi doanh nghiệp đều có cơ hội tiếp cận như nhau với những nội dung, chương trình ăn khách, hấp dẫn", Bộ trưởng chỉ đạo.

Trên thực tế, việc nhà đài dè chừng các "nhà mạng" tham gia vào thị trường truyền hình không quá khó hiểu. Theo giới phân tích, những doanh nghiệp này sở hữu sẵn hạ tầng nên việc triển khai thêm dịch vụ truyền hình trả tiền là rất thuận lợi. Chi phí đầu tư không nhiều nên giá thành dịch vụ sẽ rất cạnh tranh, gây ra áp lực lớn cho nhà đài. Do đó, nội dung trở thành chìa khóa chính để nhà đài duy trì ưu thế so với nhà mạng, bởi theo quy định, doanh nghiệp không được phép sản xuất hay cung cấp trực tiếp nội dung truyền hình.

Chính vì thế mà dù đã gia nhập thị trường từ năm 2013 nhưng cho tới nay, các nhà mạng không có được vị thế chủ đạo như kỳ vọng trước đó. Họ cũng không tạo ra được áp lực đáng kể để buộc nhà đài phải hạ giá cước dịch vụ truyền hình trả tiền như dự đoán của dư luận.

Một lãnh đạo của VNPT từng than thở rằng, thị trường truyền hình trả tiền thực sự "khó xơi" vì trong lúc cạnh tranh gay gắt, nhà đài lại liên tục đòi tăng phí bản quyền các chương trình ăn khách như giải Ngoại hạng Anh, World Cup... Do nội dung này nhà đài độc quyền cung cấp nên nhà mạng buộc phải cắn răng "chạy đuổi" theo mức phí bản quyền mới mà không có sự lựa chọn nào khác.

Trong khi đó, các nhà đài vừa được cung cấp dịch vụ THTT, lại vừa được sản xuất nội dung, thậm chí còn được phép cung cấp cả dịch vụ Internet kèm theo. Những đặc quyền này có thể dẫn đến nguy cơ nhà đài sẽ lấy lợi nhuận từ các mảng kinh doanh khác để bù chéo cho dịch vụ THTT, giảm giá cước mạnh tay và cuối cùng là gây ra tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh trên thị trường.

T.C