Facebook và Instagram vừa công bố kết quả khảo sát “Hành vi mua sắm mùa lễ hội năm 2019” về hành vi và sở thích của người tiêu dùng Việt Nam trong mùa mua sắm cuối năm. Thông tin này bao gồm dữ liệu về các dịp sale lớn như ngày Phụ nữ Việt Nam, giảm giá các ngày 11/11, 12/12, Tết âm lịch,… Khảo sát được thực hiện bởi Ipsos Marketing và được thực hiện với 1.507 người Việt Nam có độ tuổi trên 18.

{keywords}
Ngày càng nhiều người Việt đưa ra quyết định mua sắm thông qua việc tham khảo trên kênh online. Ảnh: Trọng Đạt

Khảo sát này được thực hiện hàng năm, nhằm mang tới cho các doanh nghiệp trong nước những thông tin chi tiết và chuyên sâu về xu hướng mua sắm và hành vi của người tiêu dùng, từ đó giúp các doanh nghiệp đưa ra các định hướng phù hợp để tối đa doanh thu trong dịp cuối năm này.

Năm nay, kết quả khảo sát cho thấy Thương mại đối thoại (Conversational commerce) và kinh doanh kết hợp giữa trực tuyến và truyền thống (Online-to-Offline commerce) đang là xu thế, quyết định vào sự thành công của các doanh nghiệp.

Người Việt đã quen với mua hàng online, thời trang và thực phẩm là số 1

Theo kết quả khảo sát của Ipsos Marketing, cứ 2 người lại có khoảng 1 người dự định sẽ chi tiêu nhiều hơn vào dịp mua sắm cuối năm nay. Thời trang và thực phẩm là hai ngành hàng thu hút sự quan tâm của người Việt nhiều nhất trong dịp này. Hơn 70% số người tham gia khảo sát nói họ dự định sẽ mua quần áo mới vào cuối năm. Thực phẩm đứng thứ hai trong danh sách các món đồ cần mua của người tiêu dùng trong thời gian này.  

Nhóm hàng chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp, đồ uống có cồn đứng thứ hai trong các mặt hàng được nhiều người quan tâm, với khoảng 46% người được khảo sát chia sẻ về dự định mua các sản phẩm này.

{keywords}
Các yếu tố ảnh hưởng tới tâm lý mua hàng của người Việt khi mua sắm trực tuyến. Số liệu: Ipsos Marketing

80% người được khảo sát tìm thấy cảm hứng mua sắm và gợi ý những món đồ cần mua cho dịp cuối năm qua các thiết bị di động và máy tính. Facebook và Instagram là hai mạng xã hội có ảnh hưởng chính đến quyết định mua sắm.

Kết quả khảo sát cho thấy, 96% số người được hỏi khẳng định Facebook là nguồn cảm hứng cho mua sắm cuối năm và 71% trả lời tương tự với Instagram. Bảng tin (Feed) trên cả hai mạng xã hội này là nguồn thông tin truyền cảm hứng mua sắm chính đối với 70% số người được khảo sát. Tin (Stories) đang trở nên phổ biến hơn, với 52% người sử dụng Instagram tham gia khảo sát và 46% người sử dụng Facebook tham gia khảo sát nói họ lấy ý tưởng mua sắm từ các nguồn này.

Fanpage chat hoạt động tốt sẽ tăng tỷ lệ chốt đơn hàng

Kết quả khảo sát cho thấy, trong mùa mua sắm cuối năm, 59% số người tham gia khảo sát chú ý nhiều hơn đến các video tập trung thể hiện tình cảm gia đình. Các video gợi ý những ý tưởng quà tặng mới, mang lại không khí của kỳ nghỉ hoặc nội dung về bạn bè là những chủ đề cuối năm mà người tiêu dùng yêu thích.

Cụ thể, người tiêu dùng Việt Nam khi được khảo sát đã chỉ ra rằng, các video cho thấy sản phẩm thật (64%) là nội dung hiệu quả nhất để thúc đẩy quyết định mua hàng của họ. Người dùng cũng sẽ xem xét việc mua một sản phẩm nếu sản phẩm đó được hiển thị trong một video từ các thương hiệu danh tiếng hoặc những người có ảnh hưởng xã hội.

{keywords}
Cửa hàng chăm phản hồi trên kênh chat Facebook là yếu tố quan trọng giúp tăng khả năng mua hàng. Ảnh: Trọng Đạt

Trong số các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua hàng, trao đổi  tin nhắn là phương thức giao tiếp được ưa chuộng nhất. 9/10 người mua hàng dịp cuối năm nói rằng họ thường nhắn tin cho các doanh nghiệp, cửa hàng trong thời điểm cuối năm 2018.

94% số người tham gia khảo sát có xu hướng mua hàng của các cửa hàng dễ liên lạc qua các dịch vụ nhắn tin nhanh. Đối với họ, các dịch vụ này là một kênh để tìm hiểu thêm về sản phẩm hoặc chính sách giao hàng, hay đơn giản là mua hàng. Facebook Messenger là dịch vụ phổ biến nhất để liên lạc với các cửa hàng với 78% người được khảo sát nói họ sử dụng Messenger.

Trọng Đạt