Bên cạnh các tác động từ đại dịch Covid-19 dẫn đến những thách thức về hậu cần và căng thẳng thương mại dẫn đến việc tăng lượng đặt trước tấm wafer thì việc phát triển nhanh các tiến trình công nghệ tiên tiến 7nm và 5nm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng lên của điện thoại thông minh 5G, máy chơi trò chơi và bộ xử lý đồ họa (GPU) trong các máy chủ đám mây cũng đã thúc đẩy sự tăng trưởng ngành đúc bán dẫn trên toàn cầu trong thời gian tới.

Counterpoint Research đã đưa ra 4 dự đoán cho ngành đúc bán dẫn toàn cầu trong năm 2021.

Doanh thu ngành đúc bán dẫn toàn cầu năm 2021 sẽ tăng trưởng hai con số so với năm 2020

Năm 2020, doanh thu ngành đúc bán dẫn đạt khoảng 82 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Bất chấp mức tăng trưởng cao đạt được trong năm 2020, Counterpoint Research vẫn dự báo mức tăng trưởng trong năm 2021 sẽ tăng 12% so với năm 2020 và đạt tổng doanh thu 92 tỷ USD.

{keywords}
Ngành công nghiệp đúc bán dẫn toàn cầu sẽ tăng trưởng mạnh năm 2021

Theo đó, công ty đúc bán dẫn hàng đầu thế giới TSMC của Đài Loan sẽ tiếp tục dẫn đầu ngành bán dẫn toàn cầu trong năm 2021 với mức tăng trưởng dự báo đạt 13% -16% so với năm 2020. Và công ty đúc bán dẫn Samsung Foundry của Hàn Quốc sẽ tăng doanh thu 20% so với năm 2020 nhờ vào việc gia tăng các đơn đặt hàng từ Qualcomm và Nvidia.

Đối với toàn ngành công nghiệp bán dẫn, mức tăng trưởng hai con số vào năm 2021 bao gồm cả việc tăng lô hàng tấm wafer và tăng giá tấm wafer, điều mà chúng ta hiếm khi thấy trong các chu kỳ trước. Đặc biệt, các xưởng đúc 8 inch đã báo cáo tình trạng thiếu hụt nguồn cung từ nửa cuối năm 2020, đang đóng vai trò là chất xúc tác thuyết phục một số nhà cung cấp tăng giá tấm wafer trung bình của họ lên 10% vào năm 2021.

Chip tiến trình công nghệ 7nm và 5nm sử dụng công nghệ EUV tăng trưởng mạnh trong năm 2021

Cả TSMC và Samsung sẽ đánh bại tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành đúc bán dẫn do họ đang tăng tốc sản xuất các chip tiến trình công nghệ 7nm và 5nm sử dụng thiết bị khắc bằng tia siêu cực tím (EUV), sau khi vượt qua giai đoạn thử nghiệm ban đầu vào năm 2019 và 2020. Việc áp dụng EUV là một yếu tố quan trọng để tăng liên tục mật độ bóng bán dẫn của chip để cho phép phát triển cả điện thoại thông minh 5G và các ứng dụng điện toán hiệu suất cao (HPC).

Tiến trình công nghệ 5nm: TSMC và Samsung đã bắt đầu sản xuất hàng loạt chip tiến trình 5nm từ năm 2020. Dựa trên ước tính của Counterpoint Research thì tổng lượng xuất xưởng tấm wafer 5nm sẽ chiếm 5% tấm wafer 12 inch trong ngành đúc bán dẫn toàn cầu vào năm 2021, tăng so với mức dưới 1% của năm 2020.

Apple là khách hàng hàng đầu của TSMC trong chip tiến trình 5nm trong năm nay, bao gồm cả chip A14 và A15 cho iPhone và Apple Silicon mới phát hành. Qualcomm sẽ là khách hàng 5nm lớn thứ hai vì iPhone 13 có thể áp dụng modem X60. TSMC dự kiến sẽ đạt doanh thu 10 tỷ USD từ tiến trình 5nm vào năm 2021. Samsung Foundry cũng sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng tốt nhờ dành được nhiều đơn hàng chip tiến trình 5nm, bao gồm SoC nội bộ (Exynos) và Qualcomm. Công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research dự báo tỷ lệ sử dụng công suất sẽ đạt mức trung bình 90% đối với TSMC và Samsung vào năm 2021 nhờ vào sự tăng trưởng tốt của các dòng điện thoại 5G cao cấp.

{keywords}
Thị phần lô hàng tấm Wafer 5nm theo khách hàng năm 2021

Tiến trình công nghệ 7nm: Khác với 5nm, với hơn 80% tấm wafer được sử dụng trong điện thoại thông minh, các ứng dụng 7nm được sử dụng đa dạng hơn như trong GPU, CPU, thiết bị mạng và bộ xử lý ô tô. Dựa trên ước tính của Counterpoint Research thì tổng khối lượng lô hàng tấm wafer 7nm sẽ chiếm 11% lượng wafer 12 inch trong ngành công nghiệp đúc toàn cầu vào năm 2021. Trong đó, điện thoại thông minh sẽ chỉ tiêu thụ 35% lượng wafer và phần lớn sẽ cung cấp cho AMD (27%) và Nvidia (21%). Trong bối cảnh nhu cầu ngày càng tăng đối với máy chơi trò chơi, máy chủ đám mây / bộ vi xử lý AI và điện thoại thông minh 5G thì chip tiến trình 7nm sẽ cực kỳ eo hẹp trong suốt năm 2021, với tỷ lệ sử dụng trung bình ở mức 95% - 100%. 

{keywords}
Thị phần lô hàng tấm Wafer 7nm theo khách hàng năm 2021

Mức tồn kho chip cao trở nên bình thường trong năm 2021

Mặc dù ngành đúc bán dẫn có tính chu kỳ ít hơn so với ngành công nghiệp bộ nhớ vi mạch, nhưng mức tồn kho vẫn là một trong những yếu tố chính để dự đoán tăng trưởng. Vào cuối quý 3 năm 2020, dựa trên các báo cáo tài chính từ các công ty đúc bán dẫn lớn trên toàn cầu, lượng hàng tồn kho là khoảng 79 ngày so với mức trung bình của ngành là 70 ngày kể từ năm 2016. Theo các đánh giá gần đây từ AMD, Nvidia, Qualcomm, hoặc thậm chí những công ty nhỏ hơn như Dialog Semi (IC tương tự) cho thấy triển vọng của năm 2021 nói chung là khả quan trên điện thoại thông minh 5G, các thiết bị sử dụng cho làm việc tại nhà và máy chủ đám mây. Các nhà cung cấp chip sẽ duy trì mức tồn kho cao từ quý 4 năm 2020. Dự báo cho thấy, hàng tồn kho trong ngành đúc bán dẫn sẽ đạt mức cao nhất vào giữa năm nay vì khách hàng của xưởng đúc sẽ chọn đặt hàng tấm wafer sớm hơn để tránh rủi ro trong nửa năm sau.

Chi phí vốn vào lĩnh vực đúc bán dẫn vẫn duy trì ở mức cao trong năm 2021

Công ty sản xuất chất bán dẫn TSMC của Đài Loan dự kiến sẽ tăng chi phí vốn lên tới 28 tỷ USD trong năm nay để giữ vững vị trí dẫn đầu trong các công nghệ bán dẫn tiên tiến. Năm 2021 sẽ là một năm giao thoa về doanh số của TSMC giữa hai trụ cột tăng trưởng chính đó là điện thoại thông minh và điện toán hiệu suất cao.

Bên cạnh đó, các dấu hiệu cho thấy Intel sẽ sớm tham gia vào lĩnh vực gia công CPU để tồn tại lâu dài. Cả TSMC và Samsung đều sẵn sàng dành lấy cơ hội bằng cách bắt đầu mở rộng công suất sản xuất các chip tiến trình 5nm/3nm của họ trong năm 2021. Tỷ lệ chi phí vốn trên doanh thu bán hàng sẽ duy trì mức cao nhất trong năm 2021 với mức 40% đối với TSMC và 70% đối với Samsung Foundry.

Với sự tăng trưởng mạnh của ngành đúc bán dẫn trong năm năm 2021, Counterpoint Research kỳ vọng ngành đúc bán dẫn toàn cầu sẽ đạt và vượt mức 100 tỷ USD trong năm 2022 - 2023.

Phan Văn Hòa (theo Counterpointresearch)

Anh sẽ điều tra thương vụ giao dịch bán dẫn lớn nhất trong lịch sử

Anh sẽ điều tra thương vụ giao dịch bán dẫn lớn nhất trong lịch sử

Cơ quan chống độc quyền của Vương quốc Anh sẽ tiến hành điều tra việc Nvidia mua lại ARM, giao dịch bán dẫn lớn nhất trong lịch sử trị giá lên tới 40 tỷ USD.