Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cảnh báo sẽ ngừng mọi kênh liên lạc viễn thông với các đối tác Đức nếu Berlin cho phép tập đoàn Huawei tham gia triển khai dự án phát triển mạng không dây thế hệ mới 5G của nước này.

Đây được đánh giá là động thái nhằm gia tăng áp lực với Đức trong việc sử dụng công nghệ của tập đoàn Trung Quốc.

Phát biểu ngày 13/3 trước Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ, Tư lệnh Tối cao NATO tại châu Âu, Tướng Mỹ Curtis Scaparrotti, cảnh báo: "Chúng tôi lo ngại về hạ tầng cơ sở viễn thông của Đức nếu nước này hợp tác với Huawei do mạng băng thông rộng 5G có khả năng thu thập dữ liệu với tốc độ nhanh đáng kinh ngạc. Nếu thiết bị viễn thông (của Huawei) được lắp đặt trong liên lạc quốc phòng của Đức, thì chúng tôi sẽ không liên lạc với họ qua hệ thống này." Ông tuyên bố đối với quân đội, đây sẽ là một rắc rối lớn.

{keywords}
Ảnh: Reuters

Tướng Scaparrotti đưa ra tuyên bố trên khi các thành viên Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ chất vấn ông về các cuộc đàm phán thương mại ở châu Âu và Đức, nhất là với các tập đoàn viễn thông của Trung Quốc, trong đó có Huawei.

Mỹ đã nhiều lần kêu gọi Đức, Canada và các đồng minh khác không sử dụng thiết bị viễn thông của Huawei - nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất của Trung Quốc - để xây dựng các mạng viễn thông mới, vì lo ngại tới tính bảo mật.

Trước đó, ngày 11/3, tờ The Wall Street Journal của Mỹ đưa tin Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell đã gửi thư tới Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier, trong đó để ngỏ khả năng hạn chế chia sẻ các thông tin tình báo cũng như các thông tin trao đổi khác với cơ quan an ninh Đức nếu quốc gia này sử dụng công nghệ của tập đoàn Huawei - công ty mà Washington cho là đối tác "thiếu tin cậy" - để xây dựng mạng không dây thế hệ mới 5G.

Bức thư nêu rõ luật pháp Trung Quốc quy định các công ty Trung Quốc phải hỗ trợ các cơ quan an ninh nước này khi được yêu cầu và các cuộc điều tra về phần mềm của Huawei không thể đảm bảo chắc chắn rằng sẽ không có nguy cơ bị tấn công về an ninh.

Trước lời cảnh báo này của Mỹ, ngày 12/3, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết Berlin sẽ tham vấn với Washington về sử dụng công nghệ của Huawei, đồng thời tuyên bố nước này sẽ thiết lập tiêu chuẩn bảo mật riêng cho mạng không dây thế hệ mới 5G.

Cũng giống như các quốc gia khác ở Liên minh châu Âu (EU), Đức đang phụ thuộc rất nhiều vào các thông tin về khủng bố và các mối đe dọa khác do Cơ quan An ninh quốc gia (NSA), Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và các cơ quan tình báo khác của Mỹ cung cấp.

Huawei là nhà cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông cũng như các thiết bị thông tin hàng đầu thế giới, trong đó có mạng không dây thế hệ mới 5G. Huawei đã đầu tư hàng tỷ USD vào công nghệ này, chủ yếu cạnh tranh với hãng Ericsson của Thụy Điển và Nokia của Phần Lan.

Tuy nhiên, Mỹ, Anh và nhiều nước khác đã cảnh báo về các nguy cơ an ninh từ công nghệ của Huawei, điều mà tập đoàn Trung Quốc này luôn bác bỏ.

Mỹ, Australia, New Zealand cùng nhiều nước khác đã cấm hoặc hạn chế sử dụng thiết bị của Huawei.

Theo VietnamPlus

Huawei khởi kiện chính phủ Mỹ giữa căng thẳng leo thang

Huawei khởi kiện chính phủ Mỹ giữa căng thẳng leo thang

Nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei Technologies Co Ltd cho biết họ đang kiện chính phủ Mỹ về một phần của dự luật quốc phòng hạn chế kinh doanh của họ tại Mỹ.