Đây là hai trong các mục tiêu được UBND tỉnh Bình Phước đặt ra trong Kế hoạch 236 thực hiện Nghị quyết 52 ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 50 ngày 17/4/2020 của Chính phủ và Kế hoạch 238 ngày 16/6/2020 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Hoàn thành xây dựng Chính quyền số Bình Phước vào năm 2030

Cũng theo kế hoạch này, các mục tiêu hướng tới của địa phương này đến năm 2025 còn có: Internet băng thông rộng phủ 100% các xã, phường, thị trấn; năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm; và cơ bản hoàn thành nhiệm vụ chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội.

Đến năm 2030, các mục tiêu được Bình Phước đặt ra gồm có: phủ sóng mạng di động 5G toàn tỉnh; người dân được truy cập Internet băng thông rộng tốc độ cao với chi phí thấp.

Cùng với đó, năng suất lao động tăng bình quân khoảng 7,5%/năm, kinh tế số chiếm trên 30% GRDP của tỉnh và việc xây dựng Chính quyền số của Bình Phước sẽ hoàn thành vào năm 2030.

Kế hoạch xác định tầm nhìn đến năm 2045 tỉnh Bình Phước có năng suất lao động cao, đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.

Kinh tế số sẽ chiếm 18% GRDP của Bình Phước vào 2025
Bình Phước mới đây đã chính thức đưa vào vận hành Trung tâm điều hành thông minh, nền tảng cốt lõi cho lộ trình xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh.

Thời gian qua, Bình Phước đã có nhiều động thái thể hiện quyết tâm tạo bứt phát trong lĩnh vực TT&TT để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trước đó, ngày 15/7/2019, UBND tỉnh Bình Phước và Bộ TT&TT đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển TT&TT. Với sự hỗ trợ của Bộ TT&TT, hơn 1 năm vừa qua, nhiều nội dung công việc đã được Bình Phước triển khai tích cực, hiệu quả.

Đặc biệt, trong kết luận hội nghị trực tuyến ngày 26/8 của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc Bình Phước đã chi hơn 1% từ ngân sách nhà nước cho CNTT, coi đây là minh chứng cho một cách làm mới trong triển khai chính phủ số, chuyển đổi số, đó là: dành tỷ lệ chi thích đáng từ ngân sách nhà nước cho CNTT để bảo đảm ngưỡng đầu tư phát huy hiệu quả.

Tám nội dung trọng tâm

Theo kế hoạch 236 mới ban hành, 8 nội dung sẽ được Bình Phước tập trung triển khai thời gian tới là: Đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; Hoàn thiện các thể chế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 và chuyển đổi số; Phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu;

Phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia; Phát triển nguồn nhân lực thích ứng với yêu cầu cuộc CMCN 4.0; Chính sách phát triển các ngành và công nghệ ưu tiên; Đẩy mạnh hội nhập quốc tế; Triển khai chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Kinh tế số sẽ chiếm 18% GRDP của Bình Phước vào 2025
Để phát triển nguồn nhân lực thích ứng với yêu cầu của CMCN 4.0, UBND tỉnh Bình Phước giao Sở TT&TT phổ cập kỹ năng số, kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin mạng cho người dân (Ảnh minh họa)

Với mỗi nội dung trên, UBND tỉnh Bình Phước đều có phân công cụ thể nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị.

Cụ thể, về phát triển cơ sở hạ tầng trọng yếu, Sở TT&TT Bình Phước sẽ chủ trì triển khai băng thông rộng chất lượng cao trên phạm vi toàn tỉnh; xây dựng, kết nối đồng bộ và thống nhất trung tâm dữ liệu của địa phương với hệ thống trung tâm dữ liệu của vùng, quốc gia; đầu tư trang bị các hệ thống thiết bị thu thập, lưu trữ, xử lý, bảo vệ dữ liệu công; đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật các ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu đặc biệt là hạ tầng năng lượng và giao thông…

Sở KH&CN Bình Phước phải tăng cường đầu tư nâng cao năng lực nghiên cứu kết hợp phát triển các doanh nghiệp công nghệ; tiếp tục thực hiện các chương trình KH&CN đã được Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh phê duyệt; khuyến khích thành lập các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN dựa trên nền tảng số, Internet và không gian mạng…

Để phát triển nguồn nhân lực thích ứng với yêu cầu của CMCN 4.0, UBND tỉnh Bình Phước giao Sở TT&TT phổ cập kỹ năng số, kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng cho người dân. Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, xây dựng văn hóa số trong cộng đồng.

Sở TT&TT còn chủ trì, phối hợp với Sở GD&ĐT và các bộ, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh để tổ chức đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin, an ninh mạng đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0.

Sở GD&ĐT Bình Phước sẽ chủ trì, phối hợp với Sở TT&TT, Sở LĐTB&XH và các sở, ngành, địa phương liên quan tiến hành rà soát tổng thể, đổi mới nội dung và chương trình giáo dục, đào tạo theo hướng phát triển năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển; đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục và dạy nghề để tạo ra nguồn nhân lực có khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển; khuyến khích các mô hình giáo dục, đào tạo dựa trên nền tảng số… 

Tại hội nghị trực tuyến ngày 26/8 của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử các bộ, ngành, địa phương, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước đã chia sẻ 4 bài học kinh nghiệm của tỉnh trong thúc đẩy, cải thiện mức độ ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử:

- Bám sát chủ trương, đường lối và kiến trúc tổng thể của Chính phủ điện tử quốc gia để cụ thể hoá trong điều kiện thực tiễn của Bình Phước;

- Đề cao vai trò của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong tỉnh chỉ đạo, điều hành lĩnh vực ứng dụng CNTT. Nơi nào người đứng đầu vào cuộc thật sự thì nơi đó có kết quả cao;

- Chọn đúng khâu đột phá trong cải cách hành chính, lấy cải cách thủ tục hành chính làm nhiệm vụ trọng tâm, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến;

- Đầu tư hợp lý ngân sách nhà nước cho ứng dụng CNTT, xây dựng Chính quyền điện tử.

 M.T

Tìm giải pháp chuyển đổi số Việt Nam: Tập trung vào kinh tế số

Tìm giải pháp chuyển đổi số Việt Nam: Tập trung vào kinh tế số

70% hồ sơ dự thi Viet Solutions tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm để phát triển kinh tế số Việt Nam như Giao thông – logistic, Nông nghiệp, Năng lượng, Giáo dục, Tài chính – Ngân hàng.