Phần 1: Khi 'sếp' của bạn không phải là con người

Số hoá vì mục đích gì?

Những người làm việc tại các công ty phát triển hệ thống OA đều biết rất rõ rằng khách hàng của họ có thể mắc sai lầm như thế nào.

Giám đốc tiếp thị của một công ty phát triển hệ thống OA nói với phóng viên rằng các loại hình doanh nghiệp liên hệ với ông thường “quan tâm hơn tới thuật ngữ 'số hóa' vì họ muốn xin trợ cấp từ chính phủ hoặc cấp cao hơn (của công ty)”.

Trong những năm gần đây, các chính phủ từ cấp quốc gia đến thành phố đều đã triển khai kế hoạch hành động nhằm tăng tốc số hóa ở nơi làm việc giữa các ngành. Ví dụ, thành phố Tô Châu cung cấp cho các doanh nghiệp khoản trợ cấp lên tới 100.000 nhân dân tệ để thực hiện “số hoá”.

Nhưng liệu các động thái số hóa như vậy có lợi hay gây bất lợi cho công việc hàng ngày của khách hàng, “họ không quan tâm”, ông nói. Trong một trường hợp điển hình, trưởng bộ phận kỹ thuật số hóa của một công ty bất động sản lớn thuộc sở hữu nhà nước đã liên hệ để thuê công ty ông nâng cấp kỹ thuật số tại công ty.

Kế hoạch nâng cấp chi tiết từ công ty đó khiến ông choáng váng. “Đó là tất cả những lý thuyết, bố cục và chiến lược trống rỗng, không có gì về việc cải thiện hiệu quả hoặc hợp lý hóa các quy trình”, vị giám đốc cho hay. “Trên thực tế, các yêu cầu của họ trái ngược nhau - họ muốn tiêu chuẩn hóa công việc hàng ngày nhưng cũng muốn tăng cường đổi mới và sáng tạo”.

Vị giám đốc công ty phát triển hệ thống đã mời trưởng bộ phận số hóa ra ngoài ăn tối. Trong suốt bữa ăn, ông nhấn mạnh rằng kế hoạch “cần phải được điều chỉnh”. Nhưng trưởng bộ phận nói rằng đây là quyết định của lãnh đạo và anh ấy không thể thay đổi chúng.

“Tôi nói với anh ấy rằng điều đó sẽ gây khó khăn cho chúng tôi. Theo như bản chất công việc của họ, việc giao nhiệm vụ mà không cần giấy tờ mà chỉ tuân theo thuật toán sẽ không hiệu quả lắm”. Nhưng khách hàng nhất quyết không đồng ý. Cuối cùng, công ty phát triển buộc phải hoàn thành nhiệm vụ nâng cấp theo yêu cầu.

“Tôi không thể quên được những gì tôi đã nghe trong lần phản hồi khách hàng hàng năm”, vị giám đốc nói với một nụ cười chua chát.

“Ngay khi một trong những nhân viên của họ biết chúng tôi là nhà phát triển, anh ta đã thẳng thừng hỏi: ‘Các anh là nhà phát triển? Các anh có biết gì về ngành của mình không? Các anh có biết gì về cách xây dựng một hệ thống không? Nếu không, hãy cút đi!'".

Ông Yao tới từ Đại học Renmin, chỉ ra rằng lý do khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong chuyển đổi số phần lớn là do họ nghĩ về chuyển đổi số từ góc độ kỹ thuật thuần túy và bỏ qua logic quản lý liên quan. “Chắc chắn không có giá trị gì khi thực hiện chuyển đổi số trên một tiền đề như vậy.

{keywords}
Các nhân viên nữ làm việc trong một dây chuyền sản xuất ở Hạ Môn, Phúc Kiến năm 2015.

Rắc rối khi đi mua cơm nắm

Mới đây, người dùng mạng xã hội Weibo cho biết một công ty khởi nghiệp công nghệ ở thành phố Hàng Châu yêu cầu nhân viên phải ngồi trên những chiếc đệm được trang bị cảm biến công nghệ cao. Các nhân viên đã phát hiện ra những chiếc đệm theo dõi nhịp tim, nhịp thở, tư thế, sự mệt mỏi và các dữ liệu khác của họ, để xem liệu họ có đang uể oải hay không. Điều này đã gây ra nhiều chỉ trích.

Một giám đốc điều hành trong nghề nói rằng, những người mua các sản phẩm đó đều là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các công ty đó yêu cầu tải dữ liệu lên ngay lập tức để ban lãnh đạo có thể giám sát công việc của nhân viên.

Nhà sản xuất các sản phẩm như vậy thường tuyên bố rằng chúng có thể giúp mọi người theo dõi sức khỏe cá nhân và không được ban quản lý sử dụng làm công cụ giám sát. “Không phải để giám sát? Thật vớ vẩn. Mục đích duy nhất của việc phát triển một thứ như thế này là để giám sát”, vị giám đốc điều hành nói.

Không chỉ các công ty khởi nghiệp công nghệ và các nhà máy nhỏ áp dụng những biện pháp đáng ngờ để theo dõi nhân sự của mình.

Phóng viên đã mượn thẻ nhân viên của một công ty điện lực quốc doanh lớn ở Bắc Kinh để vào khu thương mại nơi công ty này đặt trụ sở.

Vào ban ngày, phóng viên sử dụng thẻ này để đi qua cổng, đi thang máy, thăm khu làm việc, dùng bữa trong quán cà phê và mua sắm tại cửa hàng. Vào buổi tối, phóng viên đã bí mật kiểm tra nền tảng nội bộ mà công ty sử dụng và thấy nó ghi lại thời gian. Tất cả dữ liệu được liên kết với hồ sơ hệ thống OA của mỗi nhân viên.

Một nhân viên của công ty khẳng định rằng tất cả thông tin này đều hữu ích: “Giờ làm việc của chúng tôi là 8-17h, nghỉ trưa 12-1h30. Nếu một người bị phát hiện sử dụng giờ làm việc để đến cửa hàng hoặc đi ra ngoài, dữ liệu đó sẽ được ghi nhận là 'đáng ngờ' và đánh giá hiệu suất sẽ bao gồm thông tin này. Nếu các hiện tượng tương tự xảy ra trên 5 lần/ tháng, một phần tiền thưởng sẽ tự động bị khấu trừ”.

Tuy nhiên, hầu hết nhân viên không biết gì về chính sách này, mặc dù nó đã cắt giảm thu nhập của họ.

“Người bình thường sẽ không nhận ra nếu tiền thưởng cuối năm thiếu 80 hay 100 nhân dân tệ. Họ sẽ chỉ nghĩ rằng đó là một khoản khấu trừ thuế cho một thứ gì đó”. Ông cho biết, cách làm này đã được sử dụng như một “bí mật” kiểm soát chi phí trong vài năm, mỗi năm tiết kiệm cho công ty gần 1 triệu nhân dân tệ. “Chúng tôi đã học về phương pháp này từ các đồng nghiệp của mình. Theo như tôi biết, họ học nó từ một công ty tư nhân đã niêm yết”.

Khi một thư ký hành chính của một công ty nghiên cứu tư nhân ở Thượng Hải quyết định nghỉ việc vào tháng 8, cô được Phòng nhân sự cho biết, trước tiên cô phải bồi thường vài trăm nhân dân tệ cho thời gian làm việc bị mất.

“Theo công ty, việc rời khỏi cơ quan trong giờ làm việc mà không được phép được coi là trái quy định”. Khi thư ký hành chính tỏ ý nghi ngờ, nhân viên nhân sự rút một tờ giấy từ máy in nơi ghi lại tất cả quá trình làm việc của cô, tất cả đều có màu đỏ. “Quẹt thẻ của cô trong giờ làm việc và hệ thống sẽ tự động tạo ra một bản ghi cảnh báo màu đỏ”, họ giải thích.

"Tôi vừa đi đến cửa hàng tiện lợi để mua một nắm cơm!", thư ký hành chính giải thích. Nhân viên nhân sự trả lời rằng cô đã đọc các quy tắc trước khi gia nhập công ty và cô đã cố ý vi phạm. Vì vậy, khoản khấu trừ tiền là “hợp lý”.

Liu Deliang, giáo sư tại Trường Luật Đại học Sư phạm Bắc Kinh nói rằng, “mặc dù các cách doanh nghiệp quản lý và kiểm soát hành vi của nhân viên có thể là vô nhân đạo, nhưng chúng không vi phạm quyền riêng tư cá nhân về mặt pháp lý”. Tuy vậy, ông cũng nhấn mạnh rằng việc quản lý quá khắt khe, vô nhân đạo thường không có lợi cho động lực và sự sáng tạo của nhân viên.

Theo ông Yao, “quản trị doanh nghiệp liên quan đến văn hóa, chiến lược và các quyết định đổi mới, đặc biệt là liên quan đến nguồn lực quan trọng nhất của doanh nghiệp là con người, không thể hoàn toàn dựa vào các lý thuyết và phương pháp khoa học”.

Vĩnh Tường (Theo Sixth Tone)

Doanh nghiệp chuyển đổi số: Không lo AI thế chỗ, chỉ sợ khoảng cách thế hệ

Doanh nghiệp chuyển đổi số: Không lo AI thế chỗ, chỉ sợ khoảng cách thế hệ

Chỉ 15% doanh nghiệp lo ngại máy móc sẽ thay thế con người. Thay vào đó, điều mà nhiều doanh nghiệp quan tâm là những khác biệt về thế hệ người lao động trong thời chuyển đổi số.