Ảnh minh họa: Internet

Dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng tại châu Âu, buộc chính phủ các nước phải thực hiện các biện pháp mạnh mẽ nhằm ngăn cản virus lây lan. Một trong số đó là phong tỏa các thành phố, buộc hàng chục triệu người dân làm việc ở nhà.

Vì vậy, Giám đốc ngành công nghiệp Liên minh châu Âu Thierry Breton kêu gọi các dịch vụ nội dung giảm chất lượng truyền phát để tránh quá tải. Ông hối thúc các nền tảng này giải phóng băng tần để phục vụ cho khám bệnh và học tập từ xa. Trong khi các nhà mạng châu Âu khẳng định mạng lưới của họ vẫn đủ sức chống chọi với tình trạng lưu lượng dữ liệu tăng mạnh, vẫn có nhiều nỗi lo sợ khi ngày càng nhiều người làm việc ở nhà hơn.

Đáp lại lời kêu gọi này, hàng loạt ông lớn công nghệ trong lĩnh vực nội dung đã thông báo sẽ giảm chất lượng phát video của mình. Đó là Netflix, YouTube, Amazon, Facebook. Netflix cho biết sẽ loại bỏ tùy chọn phát ở chất lượng cao nhất trong vòng 30 ngày tới tại châu Âu, mục tiêu để duy trì chất lượng dịch vụ cho mọi thành viên nhưng vẫn hỗ trợ được các ISP đang đối mặt với lượng truy cập chưa từng có tiền lệ. Ngoài ra, trước đó Netflix còn nói sẽ giảm bit rate, yếu tố quyết định chất lượng và kích thước file, đối với mọi nội dung tại châu Âu, giúp giảm khoảng 25% lưu lượng.

Theo người phát ngôn YouTube, công ty sẽ tạm thời chuyển về độ phân giải tiêu chuẩn trong 30 ngày đối với người xem tại châu Âu. Amazon Prime cũng áp dụng biện pháp giảm bit rate tương tự Netflix và làm việc với các nhà chức trách, ISP để giảm nghẽn mạng tại các khu vực cần thiết.

Facebook là công ty mới nhất đáp lời kêu gọi của EU. Mạng xã hội sẽ giảm chất lượng xem video thông qua giảm bit rate trên Facebook và Instagram tại châu Âu. Một nguồn tin thân cận cho biết biện pháp được áp dụng cho tới khi hết lo ngại về nghẽn mạng.

Xem video qua Internet có thể chiếm tới 2/3 lưu lượng mạng di động và cố định. Dù vậy, các chuyên gia cảnh báo giảm chất lượng phát chỉ là giải pháp nhất thời. Theo ông Eric Broockman, Giám đốc công nghệ Extreme Networks, nhà mạng rõ ràng cần nâng cấp và đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Trong ngắn hạn, điều các nhà mạng có thể làm để giảm áp lực lên mạng lưới và bảo đảm kết nối cho tất cả mọi người là giảm ưu tiên cho các lưu lượng không cần thiết.

Du Lam (Tổng hợp)

Làm việc tại nhà làm tăng nguy cơ bảo mật đối với công ty

Làm việc tại nhà làm tăng nguy cơ bảo mật đối với công ty

Khi làm việc tại nhà, đồng nghĩa với việc mọi người phải mang theo laptop và các dữ liệu từ công ty về. Đây là cơ hội cho các tin tặc theo dõi, tìm cách lợi dụng và xâm nhập vào dữ liệu của các công ty.