"Mỹ cần đưa ra những bằng chứng cụ thể để thuyết phục nhà chức trách châu Âu không sử dụng hạ tầng mạng của công ty Trung Quốc này", người đứng đầu Vodafone phát biểu ngày 25/2 tại sự kiện công nghệ MWC 2019.

Huawei đang bị kiểm soát gắt gao sau khi Mỹ đề nghị các nước đồng minh không sử dụng công nghệ của hãng này vì lo ngại chúng phục vụ cho các hoạt động gián điệp của Trung Quốc.

Huawei hiện là nhà cung cấp hạ tầng mạng di động lớn nhất thế giới, trên cả Ericsson của Thụy Điển và Nokia Phần Lan.

Nick Read, Giám đốc điều hành của Vodafone, nhà mạng lớn thứ hai thế giới, nói với các phóng viên tại MWC 2019 rằng việc cắt giảm số lượng nhà cung cấp mạng sẽ ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế và công nghiệp. "Chúng ta cần có một đánh giá rủi ro dựa trên thực tế", Read nói.

Cũng trong sự kiện này, Guo Ping, Chủ tịch luân phiên của Huawei cũng khẳng định Mỹ không có bằng chứng nào về các rủi ro an ninh.

"Huawei có lịch sử sạch về bảo mật trong ba thập kỷ. Công ty phục vụ ba tỷ người trên khắp thế giới. Cáo buộc an ninh của Mỹ đối với 5G của chúng tôi không có bằng chứng. Không có gì", ông Gou nói.

{keywords}
Gou Ping, Chủ tịch luân phiên Huawei, khẳng định Mỹ không có bằng chứng gì về các nguy cơ bảo mật của Huawei. Ảnh: TechCrunch

"Tôi chưa gặp trực tiếp nhà chức trách Mỹ vì vậy chưa biết được họ có những bằng chứng gì. Nhưng họ cần trình bày rõ ràng những bằng chứng họ có với các nhà chức trách châu Âu", Read cho biết tất cả đối tác của ông ở châu Âu đều mong có những đánh giá khách quan hơn về rủi ro của các thiết bị Huawei.

Tuy vậy, tháng trước, Vodafone cho biết họ sẽ tạm ngừng triển khai thiết bị Huawei trong các mạng lõi của mình ở châu Âu cho đến khi có xác nhận chính thức từ chính phủ.

Read khẳng định việc làm này không thể ngăn các thiết bị Huawei xuất hiện trong hạ tầng mạng 5G ở châu Âu. Theo Read, thiết bị của Huawei đã được sử dụng rộng rãi trong hạ tầng mạng 4G ở châu Âu. Những thiết bị này là nền tảng quan trọng cho công nghệ 5G mới.

{keywords}
Nick Read, Giám đốc điều hành Vodafone, cho rằng Mỹ cần đưa ra bằng chứng cụ thể để thuyết phục nhà chức trách châu Âu ngừng sử dụng thiết bị Huawei. Ảnh: Reuters

Nếu muốn loại bỏ Huawei, châu Âu phải thay mới toàn bộ hạ tầng mạng. "Nó rất, rất tốn kém", Read nói.

Đồng thời, theo Read, việc này sẽ gây trì hoãn công nghệ 5G tại châu Âu trong 2 năm tới, rất bất lợi lớn cho châu Âu.

Mặc dù gặp khó khăn trong việc triển khai hạ tầng mạng cốt lõi, Huawei vẫn đang mở rộng thiết bị vô tuyến 5G tại châu Âu. Tại Mỹ, thiết bị Huawei vẫn hiện diện trong các hạ tầng phụ.

Về phần Vodafone, Read cho biết nhà mạng vẫn triển khai thiết bị vô tuyến của Huawei.

"Chúng tôi đang tham gia bàn bạc với chính phủ tại châu Âu để đạt đến hiểu biết chung về vấn đề này", Read nói.

Trước đó, chính phủ Anh cũng thông báo kết luận của họ về việc kiểm soát những rủi ro an ninh khi sử dụng thiết bị Huawei cho hạ tầng mạng 5G.

Theo bài viết do Financial Times đăng tải hôm 17/2, kết luận này được đưa ra bởi Trung tâm An ninh mạng Quốc gia của Anh (NCSC). Tuyên bố này đi ngược lại những nỗ lực của Mỹ nhằm thuyết phục các nước đồng minh châu Âu cấm nhà cung cấp Trung Quốc lắp đặt hạ tầng mạng 5G vì các rủi ro an ninh.

Anh không phải là đồng minh duy nhất chịu sức ép từ Mỹ. Các quan chức Mỹ cũng đã thúc giục Ba Lan cấm Huawei xây dựng mạng 5G.

Washington cho rằng thế giới đang tham gia vào một cuộc "chạy đua vũ trang" mới xoay quanh công nghệ thay vì vũ khí thông thường. Trong thời đại những vũ khí mạnh nhất được điều khiển bằng mạng thì bất kỳ quốc gia nào thống trị 5G cũng nắm được lợi thế kinh tế, tình báo và quân sự trong phần lớn thế kỷ này.

Vì vậy, Mỹ đã tiến hành chiến dịch toàn cầu để ngăn Huawei và các công ty Trung Quốc tham gia vào việc xây dựng mạng 5G.

Theo Zing

Huawei và những nghi án cố tình đánh cắp bí mật công nghệ

Huawei và những nghi án cố tình đánh cắp bí mật công nghệ

Huawei - hãng công nghệ số 1 tại Trung Quốc đang bị nhiều công ty lên án về hành vi tìm cách đánh cắp bí mật công nghệ từ chính đối thủ của mình.