- Năm 2015 được đánh giá là thời điểm thích hợp để triển khai công nghệ 4G, nhưng yếu tố quyết định 4G có phổ biến tại Việt Nam trong thời gian tới hay không chính là ở nhu cầu và mức chi tiêu của người dùng di động trong nước.


Phát biểu tại  Hội thảo Quốc tế 4G LTE (khai mạc sáng 26/3 tại Hà Nội), Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết: "Mạng 4G LTE đang phát triển rất nhanh trên thế giới. Theo số liệu của GSA, tính đến hết năm 2014, tổng số thuê bao 4G LTE trên toàn cầu đạt 497 triệu, tăng trưởng hàng năm đạt 140%. Riêng trong 6 tháng cuối năm, tốc độ tăng trưởng của thuê bao 4G còn nhanh hơn cả thuê bao 3G.”

4G, Việt Nam

Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng phát biểu tại Hội thảo Quốc tế 4G LTE.


“Dự kiến đến hết năm 2015, toàn thế giới sẽ có ít nhất 450 mạng LTE triển khai thương mại so với con số 364 mạng đã chính thức cung cấp dịch vụ tại thời điểm cuối năm 2014. Với ưu thế vượt bậc về khả năng cung cấp các dịch vụ truy nhập tốc độ cao, cùng với xu hướng dần phổ cập các thiết bị đầu cuối, "có thể khẳng định rằng mạng 4G LTE sẽ là xu hướng phát triển chủ đạo của viễn thông thế giới trong thời gian tới", Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết.

Tham luận tại Hội thảo Quốc tế 4G LTE, ông Qiu Heng  -  Phó Chủ tịch nhóm Các mạng TDD của  Huawei Technologies cho biết tại một số quốc gia đã triển khai 4G tại châu Á, thời gian thu hồi vốn chỉ sau 2 năm nhờ phạm vi phủ sóng tập trung ở những khu vực trung tâm, nơi nhu cầu sử dụng kết nối Internet di động tốc độ cao lớn. Trong khi đó, công nghệ 3G cần độ phủ rộng hơn để phổ cập đến mọi thuê bao nên thời gian thu hồi vốn sẽ mất 5-6 năm.

{keywords}

Ông Qiu Heng  -  Phó Chủ tịch nhóm Các mạng TDD của  Huawei Technologies

Cũng theo ông Qiu Heng, khác biệt lớn nhất giữa 3G và 4G là chi phí trên 1 bit dữ liệu truyền tải. Trong vài năm tới, nhu cầu tiêu thụ dữ liệu sẽ tăng lên gấp nhiều lần, nhưng khách hàng sẽ chỉ sử dụng dịch vụ nếu tốc độ kết nối được nhanh hơn mà không phải trả tiền nhiều hơn.

Giá thành sẽ quyết định nhu cầu 4G

Hiện tại, có thể thấy người dùng di động tại Việt Nam vẫn đang rất quan tâm đến giá thành của dịch vụ 3G. Mặc dù có smartphone hỗ trợ cả 3G và 4G, nhưng đa số người dùng di động Việt Nam hiện vẫn chỉ đăng ký gói cước ở mức 70.000 VNĐ đến 120.000 VNĐ/thángđể đáp ứng nhu cầu kết nối hàng ngày. Với các nhu cầu truy xuất dữ liệu lớn như video, đa số người dùng smartphone vẫn sẽ sử dụng kết nối Wi-Fi miễn phí, hiện đã khá phổ biến tại các khu vực thành thị.

Thực tế này cho thấy, chi phí rẻ sẽ khuyến khích người tiêu dùng đến với dịch vụ 4G nhanh hơn, xóa bỏ sự lệ thuộc vào kết nối Wi-Fi, thậm chí bỏ qua các gói dịch vụ 3G tốc độ cao, nhờ hiệu quả về giá thành và chất lượng dịch vụ.

Với công nghệ 3G hiện có tại Việt Nam, người dùng di động cũng đã có thể sử dụng các gói dịch vụ Internet có tốc độ cao hơn so với gói cước 70.000 VNĐ. Nhưng số thuê bao sử dụng các gói cước 3G tốc độ cao hiện vẫn chiếm tỉ lệ không nhiều. Điều này cho thấy nhu cầu Internet di động tốc độ cao của người dùng Việt Nam vẫn chưa phổ biến, hay nói đúng hơn là mức giá thành của các gói cước tốc độ cao 3G hiện vẫn chưa phù hợp với túi tiền của đa số người dùng di động, khiến người dùng chưa thể bỏ qua được kết nối Wi-Fi khi dùng di động.

Nếu triển khai công nghệ 4G, mức giá dịch vụ Internet di động có thể giảm xuống, phù hợp hơn với mức chi tiêu của người tiêu dùng. Tuy nhiên đây là một bài toán khó với các nhà cung cấp dịch vụ di động, bởi nếu triển khai 4G với mức cước rẻ hơn, các gói cước 3G tốc độ cao sẽ càng ế, khiến khả năng thu hồi vốn đầu tư vào hạ tầng 3G càng trở nên khó khăn hơn.

Có thể phát triển song song cả 3G và 4G

Để giải quyết bài toán khó này của các nhà mạng, ông Qiu Heng  cho rằng các nhà mạng hoàn toàn có thể phát triển song song cả công nghệ 3G và 4G để đáp ứng các nhu cầu kết nối khác nhau. Dịch vụ 3G sẽ đáp ứng các nhu cầu kết nối cơ bản, còn dịch vụ 4G dành cho các nhu cầu truy xuất dữ liệu lớn, đòi hỏi tốc độ cao.

Nhìn lại nhu cầu kết nối Internet trên máy tính tại Việt Nam từ trước đến nay, cũng có thể thấy dịch vụ truy cập Internet khởi đầu như kết nối Dial-up qua cáp điện thoại cố định từng được phổ biến với mức cước khá cao, nhưng sau dịch vụ ADSL xuất hiện đã thay thế dần dần, có tốc độ nhanh hơn rất nhiều và mức cước thuê bao giảm hơn so với Dial-up. Dịch vụ Internet cáp quang hiện cũng đang được phổ biến, và trong tương lai sẽ thay thế dần dịch vụ ADSL nhờ tốc độ cao hơn và giá thành rẻ hơn.

Từ bức tranh của thị trường dịch vụ kết nối Internet trên máy tính, có thể thấy các dịch vụ Internet trên di động như GPRS/Edge (2,5G/2,75G) có vai trò khởi đầu tương đương như kết nối Dial-up, có độ phủ rất rộng nhưng tốc độ kết nối chậm. Còn kết nối ADSL giống như dịch vụ 3G, thỏa mãn được nhu cầu kết nối Internet hiện tại của đa số người dùng nhưng phạm vi cung cấp không thể rộng như Dial-up.

Tương tự như vậy, kết nối Internet cáp quang cũng đang phản ánh nhu cầu của người dùng tương tự như đối với dịch vụ 4G trong tương lai. Người dùng sẽ đòi hỏi tốc độ kết nối rất cao nhưng chi phí không tăng thêm nhiều, và nhu cầu này cũng sẽ chỉ tập trung ở những khu vực trung tâm đô thị chứ không phủ rộng đến tận vùng sâu vùng xa.

  • H.P.